"Đông Tà" Huỳnh Minh Tuấn cùng loạt sếp mới cập bến APG, cổ phiếu tăng mạnh

Mai Chi

(Dân trí) - Giữa lúc thị trường chung điều chỉnh, cổ phiếu APG của Công ty Chứng khoán APG vẫn tăng mạnh 4,3%, có thời điểm tăng trần lên 12.550 đồng.

Thị trường chứng khoán sáng 13/8 ghi nhận điều chỉnh. VN-Index giảm 5,49 điểm tương ứng 0,45% còn 1.224,79 điểm; HNX-Index giảm 1,3 điểm tương ứng 0,56% và UPCoM-Index giảm 0,32 điểm tương ứng 0,35%.

Sắc đỏ chiếm ưu thế trong bức tranh chung. Có 255 mã giảm trên HoSE so với 119 mã tăng; HNX có 88 mã giảm, 55 mã tăng. Thị trường UPCoM "xanh lòng đỏ vỏ" với số lượng mã tăng nhỉnh hơn số mã giảm 3 mã (115 mã tăng, 112 mã giảm).

Giữa lúc thị trường chung điều chỉnh, cổ phiếu APG của Công ty Chứng khoán APG vẫn tăng mạnh 4,3%, có thời điểm tăng trần lên 12.550 đồng. Phiên hôm qua, mã này cũng đã tăng trần sau khi tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 lần 2 với nội dung chủ yếu là bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2022-2026, gồm: ông Huỳnh Đức Hùng, ông Lê Đình Chí Linh, ông Lê Bình Phương và ông Huỳnh Minh Tuấn.

Đông Tà Huỳnh Minh Tuấn cùng loạt sếp mới cập bến APG, cổ phiếu tăng mạnh - 1

Diễn biến giao dịch APG sáng nay, cổ phiếu có lúc tăng trần nhưng thanh khoản thấp (Nguồn: VDSC).

Ông Huỳnh Đức Hùng từng đảm nhận chức danh Giám đốc tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giai đoạn 1997-2019 và Ngân hàng Bản Việt (BVBank).

Ông Lê Đình Chí Linh đang công tác tại Công ty cổ phần Phần mềm Quản lý Doanh nghiệp (FAST). Ông Lê Bình Phương là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phương Thành Công.

Ông Huỳnh Minh Tuấn là Chủ tịch Công ty cổ phần FIDT, đồng thời là Giám đốc Hội sở của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset.

Trong các sếp mới tại APG, ông Huỳnh Minh Tuấn nổi danh trong giới tài chính, chứng khoán là một chuyên gia giàu kinh nghiệm, còn có biệt danh "Đông Tà".

Ông Tuấn xuất thân là một nhà đầu tư F0 và trải qua những biến cố lớn của thị trường kể từ thời điểm 2007 đến nay. Ông cũng được biết đến là người dẫn dắt và đào tạo nhiều đội ngũ chuyên gia đầu ngành, chuyên gia tư vấn.

Tại phiên họp ĐHĐCĐ lần 2 vừa rồi, cổ đông APG cũng đã thông qua phương án phát hành thêm 223,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1; chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá dự kiến là 12.000 đồng. Thời gian chào bán trong năm 2024.

Tuy nhiên, một số nội dung khác như phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 và kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024; tờ trình phát hành 11,2 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP với giá ưu đãi 10.000 đồng đã không được thông qua.

Trong sáng nay, APG tăng mạnh nhưng phần lớn cổ phiếu cùng ngành lại giảm. VDS giảm 2,9%; BSI giảm 2,2%; VCI giảm 2,2%; FTS giảm 2,1%; ORS giảm 2%; VND giảm 2%; TVS giảm 1,8%; SSI giảm 1,7%... Tuy nhiên, thanh khoản của APG lại thấp và không ảnh hưởng đáng kể lên thị trường.

Cổ phiếu ngân hàng phân hóa nhẹ. Trong khi EIB giảm 1,3%; TCB giảm 1,2%; CTG, MSB, ACB, MBB giảm giá thì NAB tăng 1,7%; VCB tăng 0,9%; HDB tăng 0,6%; LPB, STB, SSB tăng nhẹ.

Tương tự, cổ phiếu bất động sản cũng chứng kiến sự phân hóa, với diễn biến giảm tại TDH, LHG, HDG, NLG, KBC, VHM, DIG, ngược lại QCG tăng trần, NTL tăng 2,4%; TCH tăng 1,9%.

Trong nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu, HBC hồi phục tăng 1,5%; BCE, NHA tăng giá trong khi phần lớn mã cùng ngành giảm. TCR giảm sàn với thanh khoản thấp, DXV giảm 6,5%; FCN giảm 2,8%; PHC giảm 2,2%; VCG giảm 2,2%; HT1 giảm 2,1%.

Thanh khoản thị trường rất yếu. Khối lượng giao dịch chỉ đạt 239,7 triệu cổ phiếu tương ứng 5.711,8 tỷ đồng trên HoSE và 20,26 triệu cổ phiếu tương ứng 375,5 tỷ đồng trên HNX. Sàn UPCoM có 25,47 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch hơn 419 tỷ đồng.