Đồng loạt tăng thuế nhiều mặt hàng xuất khẩu

Ngày 5/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã ký quyết định điều chỉnh thuế suất đối với gần 30 nhóm hàng, mặt hàng trong Biểu thuế xuất khẩu.

Chiếm phần lớn trong số gần 30 nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu nói trên phải chịu mức thuế xuất khẩu mới, với mức tăng phổ biến 5% và 10%.

Điểm dễ nhận thấy trong định hướng điều chỉnh thuế này là tập trung đánh thuế đối với các mặt hàng là tài nguyên, khoảng sản của Việt Nam, xem việc tăng thuế này như là một biện pháp để hạn chế xuất khẩu.

Mặt hàng được nhiều doanh nghiệp và dư luận quan tâm nhất là các mặt hàng than với kiến nghị đánh thuế xuất khẩu của một số ban ngành trong thời gian qua.

Theo quyết định (số 67/2006/QĐ-BTC), các loại than đá, than bánh, than quả bàng và nhiên liệu rắn tương tự sản xuất từ than đá; than non (Lignite-than nâu), đã hoặc chưa đóng bánh, trừ than huyền; than bùn (kể cả bùn rác), đã hoặc chưa đóng bánh; than cốc và than nửa cốc, luyện từ than đá, than non hoặc than bùn, đã hoặc chưa đóng bánh; muội bình chưng than đá đều đồng loạt bị áp thuế xuất khẩu 10% thay vì mức 0% như hiện nay.

Các nhóm hàng như quặng sắt và tinh quặng sắt, kể cả pirit sắt đã nung; quặng mangan và tinh quặng mangan, kể cả quặng mangan chứa sắt và tinh quặng mangan chứa sắt; quặng đồng, niken, coban, nhôm, chì, kẽm, thiếc, crom, uran… cùng đồng loạt bị áp thuế theo hai mức, 5% và 10% thay vì mức 0% trước đó.

Ngược lại, trong quyết định điều chỉnh này, thuế xuất khẩu đối với một số nhóm hàng liên quan đến phế liệu được đồng loạt giảm thuế từ 45% xuống 40%; riêng nhóm hàng sắt thép phế liệu, phế thải (trừ phoi tiện, phoi bào, bụi xẻ, mùn mạt giũa, bột nghiền, bột đẽo của thép, đã hoặc chưa được ép thành khối hay đóng thành kiện, bánh, bó) giảm từ 35% xuống 33% và nhôm dạng thỏi vẫn giữ nguyên mức 0%.

Các mức thuế mới này sẽ bắt đầu áp dụng sau 15 ngày kể từ khi Bộ Tài chính đăng công báo. Đây cũng là định hướng chung của Chính phủ trong việc hạn chế xuất khẩu tài nguyên, đưa khai thác tài nguyên tập trung phục vụ sản xuất trong nước; đặc biệt là đối với mặt hàng than, đầu vào của nhiều ngành công nghiệp quan trọng.

Theo T.M.Đức
VnEconomy