Dồn lực cho VinFast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang có kế hoạch gì?

Mai Chi

(Dân trí) - VinFast đã bán ra 31.500 ô tô và 45.500 xe máy điện trong năm 2020. Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến sẽ ra mắt 5 mẫu xe máy điện và 3 mẫu xe ô tô thông minh trong năm 2021.

Theo thông tin vừa được Vingroup cập nhật, vào này 3/6 tới đây tập đoàn này sẽ tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên 2021. 

Lãnh đạo Vingroup cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, nhằm đảm bảo an toàn và tránh tụ tập đông người, Vingroup sẽ tổ chức bằng hình thức hội nghị kết nối truyền trình. Ngày chốt danh sách họp đại hội cổ đông là 4/5/2021.

Dồn lực cho VinFast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang có kế hoạch gì? - 1

Vingroup đang củng cố 3 trụ cột chính là công nghệ - công nghiệp - thương mại dịch vụ (Ảnh: Vingroup/Forbes).

Nộp tổng cộng 21.214 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2020

Theo tài liệu họp đại hội cổ đông, dự kiến tại phiên họp này, Hội đồng quản trị (HĐQT) Vingroup sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 khoảng 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 4.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 53,8% doanh thu và giảm 1% lợi nhuận so với thực hiện 2020.

Trước đó, trong năm 2020, tổng doanh thu thuần của Vingroup đạt 110.490 tỷ đồng, giảm 19.546 tỷ đồng tương đương 15% so với năm 2019 chủ yếu do không còn doanh thu từ hoạt động bán lẻ. Trong đó, nguồn thu chủ yếu vẫn đến từ chuyển nhượng bất động sản (đạt 64.505 tỷ đồng).

Hoạt động sản xuất có doanh thu tăng mạnh 89% so với năm 2019 nhờ các mẫu xe và điện thoại thông minh được thị trường đón nhận, nhưng đóng góp đang dừng ở 17.415 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng chưa lớn trong tổng doanh thu.

Lợi nhuận sau thuế trong năm 2020 giảm 41% từ 7.717 tỷ đồng năm 2019 xuống còn 4.546 tỷ đồng.

Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nộp tổng cộng 21.214 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách Nhà nước trong năm 2020 (không bao gồm tiền sử dụng đất, thuế đất). Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10.134 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là 3.607 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 1.696 tỷ đồng và các loại thuế khác là 5.777 tỷ đồng.

Trong dự thảo báo cáo gửi ĐHĐCĐ, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - cho hay, hai mảng công nghiệp và công nghệ đã có sự đóng góp đột phá cho kết quả kinh doanh của tập đoàn này.

Cụ thể, năm vừa qua, VinFast đã bán ra 31.500 ô tô và 45.500 xe máy điện, đứng đầu về doanh số xe trong tất cả các phân khúc đang hiện diện.

Điện thoại thông minh Vsmart đạt doanh số bán lên tới gần 2 triệu sản phẩm và nằm trong top các thương hiệu điện thoại được tiêu thụ hàng đầu tại Việt Nam.

Các viện nghiên cứu, công ty công nghệ cũng đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, trong đó có các giải pháp tương lai cho xe tự lái và hệ sinh thái thông minh - những sản phẩm được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị đột phá cho tập đoàn.

Đồng thời, ông Vượng cũng nhấn mạnh, bất động sản tiếp tục là trụ cột vững mạnh của Vingroup trong năm 2020 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vinhomes đạt lần lượt 71.500 tỷ đồng và 28.200 tỷ đồng. Vinpearl tiếp tục trụ vững qua một năm đặc biệt khó khăn của du lịch toàn cầu. Các mảng y tế, giáo dục đều hoạt động ổn định.

Củng cố 3 trụ cột chính

Về kế hoạch cho năm 2021, Ban lãnh đạo Vingroup cho biết Tập đoàn sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố ba trụ cột chính: công nghệ - công nghiệp - thương mại dịch vụ.

Mục tiêu là đưa ra sản phẩm hấp dẫn và chất lượng nhất cho người tiêu dùng, qua đó đa dạng hóa các nguồn thu và khuyến khích khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ, sản phẩm trong hệ sinh thái, áp dụng công nghệ vào mọi hoạt động, mở rộng hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp ra nước ngoài.

Riêng trong lĩnh vực công nghệ - công nghiệp, VinFast dự kiến ra mắt 5 mẫu xe máy điện và 3 mẫu xe ô tô thông minh VF e34, VF35 và VF36. Các mẫu xe mới giúp VinFast tiếp tục giữ vững vị thế tại thị trường nội địa, đồng thời đưa VinFast bước ra thị trường quốc tế. 

Đối với mảng thiết bị thông minh, VinSmart sẽ tập trung phát triển các sản phẩm IoT và tính năng Infotainment cho ô tô VinFast và hệ sinh thái thông minh gồm 3 mũi nhọn: thành phố thông minh, nhà thông minh và dịch vụ thông minh.

Mới đây, tập đoàn này cũng đã phát đi thông cáo, tuyên bố VinSmart sẽ rút khỏi mảng điện thoại di động và ti vi để tập trung cho các tính năng hỗ trợ cho VinFast.

Vingroup sẽ triển khai nhiều hình thức huy động vốn trong và ngoài nước thông qua nhiều công cụ tài chính, kiểm soát hiệu quả việc đầu tư mở mới và tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nguồn vốn để phục vụ chiến lược kinh doanh ngắn, trung và dài hạn của tập đoàn.

Cũng theo tài liệu được Ban lãnh đạo Vingroup cung cấp cho cổ đông, tổng nợ phải trả tại ngày 31/12/2020 của tập đoàn này ở mức 286.651 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cuối năm 2019.

Trong đó, tổng nợ vay tại ngày 31/12/2020 là 129.787 tỷ đồng. Cơ cấu nợ vay bao gồm 51% là các khoản vay hợp vốn, 38% là trái phiếu trong nước và 4% là trái phiếu hoán đổi.

Về tăng trưởng tài sản, tài sản ngắn hạn giảm 31.379 tỷ đồng, tương đương 16%, so với tháng 31/12/2019. Nguyên nhân, theo Vingroup, chủ yếu bởi biến động ở chỉ tiêu hàng tồn kho do trong năm bàn giao nhiều tại 3 đại dự án Vinhomes và ghi nhận doanh thu bàn giao xe VinFast tốt.

Tài sản dài hạn tăng 24% lên 256.490 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cổ định tăng 17.371 tỷ đồng, tương đương 16%, do trong năm tập đoàn này khai trương công viên chủ đề VinWonders Phú Quốc giai đoạn 1, khai trương trường Đại học VinUni và 4 cơ sở Vinschool, đồng thời tăng tài sản bổ sung cho nhà máy VinFast, VinSmart.

Về phương án phân phối lợi nhuận 2020, Vingroup dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 12,5% (1.000 cổ phiếu được nhận cổ tức 125 cổ phiếu), tương đương phát hành 422.803.800 cổ phần. Qua đó, vốn góp chủ sở hữu của Vingroup sẽ tăng lên 38.052 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện trong quý III và IV/2021.