1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đón dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc: "Chúng ta không thể ngồi đợi"

An Linh

(Dân trí) - Phát biểu trước các đại biểu quốc tế tại Tọa đàm "Việt Nam - Ngôi sao đang lên" được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam tự tin là điểm đến hấp dẫn.

Tại Tọa đàm trực tuyến với nhiều chuyên gia, quan chức và đại diện ngân hàng, doanh nghiệp lớn của thế giới diễn ra chiều nay (7/9), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam có nhiều dư địa tốt để đón sự dịch chuyển vốn từ Trung Quốc. 

Đón dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc: Chúng ta không thể ngồi đợi - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Theo Bộ trưởng, hiện nay, xu hướng các tập đoàn muốn hướng đến những nơi có chi phí thấp hơn, có điều kiện ưu đãi hơn so với chi phí đang tăng lên tại Trung Quốc. "Chúng tôi có thể tự tin nói rằng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, chúng ta không thể ngồi chờ được, bởi cạnh tranh thu hút FDI giữa các đối thủ với Việt Nam hiện nay rất lớn, khi mà Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines đang cạnh tranh quyết liệt và đang tận dụng xu hướng dịch chuyển vốn khỏi Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, để đón đầu xu hướng này, nắm bắt tốt hơn. 

Theo Bộ trưởng Dũng, Việt Nam còn tồn tại ba điểm nghẽn cần khắc phục là: Thể chế kinh tế chậm chuyển đổi; Hạ tầng cần đầu tư để theo kịp với sự phát triển và mở cửa; Chất lượng nhân lực cần đào tạo chuyên sâu để phục vụ các khách hàng lớn, nhà đầu tư chiến lược. 

Ông C. K Tong, Tổng Giám đốc tổ chức BW Industrial Development JSC đánh giá, Việt Nam đang cải thiện rất tốt chất lượng kinh tế và xứng đáng với kỳ vọng của các nhà đầu tư. 

Ông Tong cho rằng: "Tôi đã làm việc nhiều năm ở ASEAN và cả Trung Quốc, nay tôi nhìn thấy bước tiến rất dài đối với cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Nếu ở các quốc gia khác, phát triển kinh tế cao song xét về mức tăng trưởng không bằng Việt Nam. Điều thú vị là ở Việt Nam, Chính phủ đã và đang làm được hệ thống đường cao tốc kết nối sân bay, bến cảng lớn, chúng ta cũng thấy rằng, địa phương có địa thế lớn đã có kết nối lớn đối với các khu vực. 

Để nền kinh tế kết nối tốt hơn, chúng ta nên tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng các tỉnh phía Nam, đẩy nhanh phát triển kinh tế của các khu, trục tăng trưởng như Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP.HCM. Việt Nam đã làm được tốt cơ sở hạ tầng với nguồn lực ít ỏi của mình". 

Theo ông Tong, xu hướng đầu tư của FDI theo kiểu Trung Quốc + 1 (mắt xích chuỗi sản xuất với Trung Quốc) đã thay đổi từ trước đại dịch. Trung Quốc là nước có tốc độ hiện đại hóa, công nghiệp hóa nhanh nên chi phí tăng cao, dư địa tăng trưởng một số ngành chạm ngưỡng. Vì thế, đã đến lúc các doanh nghiệp phải tìm một nơi khác để đầu tư nhằm hạn chế chi phí, gia tăng lợi thế và Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hứa hẹn. 

"Theo tôi, Việt Nam dù có Covid-19 hay không có thì các bạn cũng có cơ hội để đón lõng xu hướng này. Việt Nam ở gần Trung Quốc, các bạn có thể lợi dụng được sự gần gũi về địa kinh tế, sự tương đồng của sự phát triển", ông Tong nói.

Đối với doanh nghiệp đã và đang hoạt động ở Trung Quốc, Việt Nam có sự tương đồng về văn hóa, tính cần cù, tinh thần kinh doanh cũng giống như ở Trung Quốc. Khi họ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng cảm thấy gần gũi, không khác gì địa bàn kinh doanh cũ thì họ tin tưởng vào hiệu quả. 

Đơn cử như Samsung, họ sản xuất phần lớn điện thoại ở Việt Nam, từ ví dụ đó chứng minh một điều, lực lượng lao động của Việt Nam có thể sản xuất được các thiết bị cao cấp. 

Với tính phức tạp hiện nay, nhiều linh kiện phụ tùng đã được sản xuất tại Việt Nam, Việt Nam cần nắm bắt và cần tạo ra một hệ sinh thái để doanh nghiệp lựa chọn đầu tư. 

"Tôi không nghi ngờ gì về khả năng các nhà đầu tư chọn Việt Nam và lúc này các bạn nên nắm vững cơ hội này. Thực tế, sự cải thiện chất lượng lao động, tinh thần ham học hỏi và các chính sách mở cửa của Việt Nam đã đặt Việt Nam vào bối cảnh thu hút tốt đầu tư nguồn lực", ông Tong nói.