Dồn dập cổ phần hóa: Ế quá nên giãn bớt?
432 doanh nghiệp phải cổ phần hoá trong giai đoạn 2014-2015. Đến nay, mục tiêu đó mới đạt được 1/5 kế hoạch. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi tư duy, đừng nóng ruột co kéo con số.
Ngưỡng “nhà nước giữ chi phối”
Năm 2014 khép lại với con số 115 DN đã cổ phần hoá (CPH). So với mức trung bình của 3 năm trước đó, con số này đã vượt gấp 3-4 lần.
Một vị chuyên gia về chứng khoán đã chia sẻ, CPH 2014 đã để lại ấn tượng sâu sắc, khi gắn với một loạt "hàng khủng". Ví dụ như Vietnam Airlines, Vinatex, Vocarimex, Cảng Hải Phòng, Viglacera, Đạm Cà Mau... Điều đó cho thấy, Chính phủ đang thực hiện cam kết của mình, những ngành nghề lĩnh vực không cần nắm giữ thì sẽ chuyển giao cho tư nhân.
Đã có những đợt IPO thành công ngoài mong đợi như Vietnam Airlines, ngay đợt IPO đầu tiên, giá khởi điểm là 22.000 đồng/cổ thì giá đặt mua đã chạm tới con số 33.000 đồng/cổ. Đây là mơ ước cho nhiều DN thất bại IPO trước đó, bị ế ẩm, giá mua chỉ bằng mệnh giá công bố. Hoặc như Sasco, giá khởi điểm là 12.000 đồng/cổ phiếu nhưng giá trúng đấu giá IPO lên tới 19.000 đồng/cổ phiếu. Đạm Cà Mau khi IPO cũng đã có khối lượng đặt hàng cao hơn cả số lượng đưa ra đấu giá, chớp mắt đã bán hết veo.
Dự kiến năm 2015, sẽ là những đợt cổ phần hoá, IPO nhưng mặt hàng lớn như Vinalines, HUD, Sông Đà, Tổng công ty Xi măng...
Tuy nhiên, dù giá bán có tốt đến mấy điều được quan tâm nhất là quá trình chuyển giao cấu trúc sở hữu này có thực sự thay đổi về chất hay không? Các nhà đầu tư chuyên nghiệp đặt tham vọng liệu có thể là một ông chủ trong một bộ máy quản trị doanh nghiệp sau CPH đó? Hay vẫn chỉ là "bình mới, rượu cũ"?.
Vietnam Airlines vốn điều lệ là hơn 14 nghìn tỷ đồng, vốn Nhà nước trên 10 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ cổ đông Nhà nước sau cổ phần hoá vẫn là 75%. Số cổ phần bán ra công khai qua IPO chỉ có trên 3,4%.
Tương tự là Viglacera. Mặc dù ngành vật liệu xây dựng không cần Nhà nước nắm giữ nhưng vẫn có tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tới 91,48% vốn điều lệ. Khối lượng bán ra cho người lao động chỉ chiếm 0,55% vốn điều lệ, cho các cổ đông khác cũng chỉ chiếm 7,97% vốn điều lệ...
Có thể, một phần vì e ngại sự chi phối của Nhà nước vẫn còn quá lớn sau CPJ, nên Viglacera rất ế chỉ bán được hơn 19,4 triệu cổ phần, đạt 25% tổng số cổ phần đưa ra đấu giá.
Chuyên gia của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính chia sẻ với báo chí rằng, vẫn rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ để mua cổ phần những DN này, nhưng ở nhiều lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn còn áp đảo đã khiến cho các nhà đầu tư lớn e ngại. Bởi với họ, mục tiêu đầu tư là phải tham gia vào khâu quản trị DN, tái cơ cấu để tăng hiệu quả DN sau CPH, nắm thực quyền.
TS Trần Đình Thiên so sánh, nếu 100 DNNN CPH mà mỗi ông chỉ bán có vài ba %, thậm chí 10% vốn thì không bằng 20 DN nhưng bán 100% vốn Nhà nước. Do đó, số lượng DN CPH nhiều theo cách đó sẽ không có ý nghĩa.
Tại cuộc họp về tái cơ cấu do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, GS Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam chia sẻ, Bộ Văn hóa - TT - DL giờ còn giữ lại nhà xuất bản mà số vốn chỉ độ 100 triệu đồng, bán đi cũng khó trả lương đủ. Các địa phương rất muốn giữ công ty số số riêng của mình, Bộ Tài chính thì muốn có Công ty sổ số điện toán của mình... Nếu vì lợi ích cục bộ mà giữ lại quá nhiều cái không cần giữ, như vậy, sau CPH, tỷ lệ đa sở hữu vẫn rất thấp. Nhà nước vẫn có cổ phần chi phối.
Chậm mà chắc
Mục tiêu Chính phủ đặt ra là phải hoàn thành quá trình này vào mốc năm 2015 với con số 432 doanh nghiệp. Nhưng khép lại năm 2014, kế hoạch cổ phần hoá mới đạt 26% và vẫn còn tới 317 doanh nghiệp phải xử lý dứt điểm trong năm nay.
Thủ tướng đã tuyên bố, ai làm không xong thì sẽ phải thay thế. TS Trần Đình Thiên chia sẻ, tuyên ngôn của Thủ tướng cho thấy, cổ phần hoá là phải dựa trên nền tảng trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.
Tuy nhiên, TS Thiên cho rằng, quan điểm CPH có thể có cần thay đổi rất mạnh. Nếu chúng ta hoàn thành CPH theo kiểu sẽ đạt bao nhiêu con số DN thì đơn giản quá. Đời sống kinh tế đã có tín hiệu phản ứng rồi.
"DN chỉ cổ phần hoá có 10% vốn, hay chỉ 3-4% vốn như Vietnam Airline thì vẫn chỉ là doanh nghiệp Nhà nước thôi. Nếu cứ có 1% vốn bán ra bên ngoài mà gọi đó không phải là doanh nghiệp Nhà nước thì sẽ không có ý nghĩa gì, vì ông nắm 99% vốn đó vẫn là người quyết định", ông Thiên nói.
Theo ông, "điều quan trọng là NN bán được bao nhiêu vốn, chuyển giao được bao nhiêu tài sản đó cho lực lượng tư nhân? Cốt lõi là việc phải thay đổi được tương quan cấu trúc sở hữu theo cách tiếp cận, Nhà nước sẽ bán cái gì không cần giữ, tạo điều kiện cho tư nhân phát triển".
Ts Thiên nhấn mạnh: "Chỉ khi bớt phần NN nắm đi, mới bớt được sự chèn ép, chiếm lĩnh độc quyền, không gian doanh nghiệp tư nhân mới tự do hơn, mới lớn được. Thêm nguồn lực, tư nhân mới mạnh lên".
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trước khi CPH thì phải làm mọi việc chuẩn bị củng cố thật tốt cho DN. Đến khi đó, bán cổ phần là sẽ bán được hết và bán với giá tốt, như vậy, Nhà nước càng được lợi, hơn là việc phải bằng mọi giá đạt con số nào đó. CPH mà tăng tốc nhanh quá, sẽ giống như người đi xe máy, đi nhanh quá, không kiểm soát được, dễ bị đâm cột.
Sự thất bại của Vinamotor thời điểm IPO tháng 3/12014 cũng đã chứng minh điều TS Thiên nói. Tổng công ty từng được kỳ vọng là giường cột cho ngành ô tô Việt Nam đã đấu giá 51 triệu cổ phiếu nhưng kết quả chỉ bán được 3,1% trong số đó. Giá trúng đấu giá chỉ bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu và thu về chỉ được 15,7 tỉ đồng.
Vì thoái vốn 51% bất thành, mới đây, Chính phủ đã thông báo sẽ bán đứt doanh nghiệp này cho tư nhân, thoái 100% vốn. Ngay lập tức có DN đề xuất bỏ cả ngàn tỷ mua đứt DN này.
Theo Phạm Huyền
VEF