1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

2 tháng cuối năm sẽ cổ phần hóa 125 doanh nghiệp, liệu có khả thi?

(Dân trí) - 10 tháng đầu năm 2014, trong tổng số 432 doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa 2 năm 2014 - 2015 mới chỉ có 75 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Dự kiến cả năm 2014, cổ phần hóa được 200 doanh nghiệp.

2 tháng, cổ phần hóa 125 doanh nghiệp, liệu có khả thi?
2 tháng, cổ phần hóa 125 doanh nghiệp, liệu có khả thi?
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 96 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 75 doanh nghiệp, riêng tháng 10 đã cổ phần hóa đươc 4 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được cổ phần hóa hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực.
 
Theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được duyệt thì trong giai đoạn 2014 - 2015 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp, chưa kể số DNNN tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn tới.
 
Trong số 432 doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015, đã có 348 doanh nghiệp thành lập Ban chỉ đạo, 247 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, đã công bố giá trị 123 doanh nghiệp. Dự kiến cả năm 2014 sẽ cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, quá trình sắp xếp, cổ phần hóa diễn ra chậm hơn so với yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân bao gồm cả yếu tố khách quan và chủ quan, như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các doanh nghiệp cổ phần hóa cũng như thoái vốn đầu tư.
 
Bên cạnh đó còn do một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn. Nhận thức của một số bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội.
 
Ngoài ra, đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt.
 
Theo Bộ Tài chính, để thực hiện được kế hoạch đặt ra, thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có kết quả cổ phần hóa, thoái vốn thấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; có biện pháp phù hợp để khắc phục, góp phần hoàn thành mục tiêu chung.
 
Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả và tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp.
 
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm