Đời sống hiện đại, đàn ông Việt đi chợ nhiều hơn trước

(Dân trí) - Phụ nữ vẫn là đối tượng mua sắm hàng hoá chủ yếu trong nhiều gia đình, nhưng ngày càng nhiều nam giới đóng góp vai trò chủ động hơn với việc mua sắm, đặc biệt là những mặt hàng không liên quan đến thực phẩm.

Khảo sát về hành vi tiêu dùng trong hai năm 2015 và 2016 của Hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam của 1.500 người tiêu dùng tại 4 thành phố trực thuộc trung ương Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ vừa cho thấy sự chuyển biến nhanh và nhiều thay đổi của bức tranh tiêu dùng của thị trường bán lẻ Việt Nam.


Đàn ông Việt đang năng đi chợ nhiều hơn trong đời sống hiện đại (ảnh minh hoạ)

Đàn ông Việt đang năng đi chợ nhiều hơn trong đời sống hiện đại (ảnh minh hoạ)

Theo Nielsen, tỷ lệ người Việt đi mua sắm ở các kênh tiêu dùng hiện đại đã tăng lên nhưng so với việc mua sắm ở các chợ truyền thống, cửa hàng chuyên doanh vẫn khá thấp. Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, trong 2 năm 2015 - 2016, trung bình mỗi tháng người Việt "ghé" mua hàng hoá tại siêu thị 2 lần/tháng, mức này bằng 1/10 so với chợ truyền thống.

Tỷ lệ người mua hàng hoá ở các chợ truyền thông vẫn rất lớn, trong khi đó hàng hoá ở các cửa hàng tạp hoá, cửa hàng tiện lợi vẫn chiếm tỷ lệ trung bình trong thu hút tiêu dùng của người dân.

Nielsen cho hay: Kênh thương mại hiện đại ngày càng phổ biến và đang tăng nhanh như các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng chuyên bán sản phẩm chăm sóc cá nhân... Tuy nhiên, người mua hàng vẫn chi tiêu nhiều nhất cho việc mua sắm ở chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa truyền thống.

Tại các cửa hàng tạp hoá, tiện lợi dù người tiêu dùng có tần suất ghé thăm nhiều nhưng lượng mua bán tại đây không đủ lớn để có thể tạo tác động lớn đến thị trường.

Đáng nói, Nielsen đã đưa ra khảo sát về giới trong mua sắm bán lẻ và đưa ra khẳng định: Nam giới ngày càng quan tâm đến việc mua sắm cho dù phụ nữ vẫn là đối tượng mua hàng hoá nhiều nhất. Đối tượng mua sắm của nam giới qua các kênh bán lẻ hiện đại đang có xu hướng tăng, độ tuổi trung bình từ 19 - 45 tuổi. Các loại sản phẩm họ hướng tới không hẳn là các nhu yếu phẩm hàng ngày mà là những đồ giải trí, công nghệ hoặc hàng hoá có khối lượng lớn...

“Quan điểm cho rằng việc mua sắm chỉ dành riêng cho phụ nữ đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện đại. Phụ nữ vẫn là đối tượng mua sắm hàng tạp hóa chủ yếu trong nhiều gia đình, nhưng ngày càng nhiều nam giới đóng vai trò chủ động hơn, đặc biệt là khi nói đến các sản phẩm không liên quan đến thực phẩm, hoặc nói đến các nhu yếu phẩm cần mua trong trường hợp khẩn cấp, cũng như mua sắm trong các dịp đặc biệt", ông Roberto Butragueño, đại diện Nielsen Việt Nam cho hay.

An Linh