Cứ 10 người Việt có tiền nhàn rỗi thì 8 người gửi tiết kiệm

(Dân trí) - Gần 8/10 người được hỏi cho biết sẽ gửi tiền nhàn rỗi vào tiết kiệm, hành vi của người tiêu dùng Việt Nam đã khiến chỉ số niềm tin người tiêu dùng của người Việt Nam trong quý 3/2016 không tăng so với trước đó, dòng tiền nhàn rỗi của người Việt chuyển vào những tài khoản tiết kiệm ngày càng nhiều hơn so với trung bình của thế giới.

Theo báo cáo về chỉ số niềm tin tiêu dùng toàn cầu do Nielsen công bố, mặc dù chỉ số niềm tin tiêu dùng (niềm tin vào kỳ vọng của nền kinh tế, mua sắm, giá cả sản xuất và giá trị đồng tiền...) của người Việt vẫn thuộc nhóm 7 nước lạc quan nhất toàn cầu nhưng tỷ lệ tiết kiệm trong các tháng của quý 3/2016 đã tăng cao.

Cụ thể, trong thang điểm trung bình đánh giá chỉ số niềm tin tiêu dùng 100, Việt Nam được 107 điểm, thấp hơn chỉ số trung bình chung của các nước Đông Nam Á là 115 điểm, thấp hơn của Philippines là 132 điểm, Indonesia là 122 điểm, Thái Lan là 108 điểm... cao hơn chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ là 89 điểm, Singapore là 94 điểm.

Tỷ lệ tiết kiệm của người Việt trong quý 3/2016 tăng cao hơn so với quý trước đó
Tỷ lệ tiết kiệm của người Việt trong quý 3/2016 tăng cao hơn so với quý trước đó

Đáng nói nhất, Nielsen công bố hành vi sử dụng tiền của người có tiền nhàn rỗi, theo đó 78% (7,8 /10 người được hỏi) cho biết sẽ gửi tiền nhàn rỗi vào tiết kiệm thay vì chi tiêu, tỷ lệ này cao hơn bình quân của các nước Đông Nam Á (70% - 7/10 người) gửi tiền nhàn rỗi vào tiết kiệm. Và tỷ lệ người có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm của người Việt cao hơn rất nhiều tỷ lệ bình quân của thế giới là 5/10 người (52%) số người có tiền nhàn rỗi để gửi tiết kiệm.

Đáng nói, hình thức tiết kiệm của người Việt đang chủ yếu là cắt giảm mua sắm, sử dụng các dịch vụ ngoài gia đình, trong đó nhiều nhất là mua quần áo mới với trên 52% số người được hỏi. Cắt giảm các hoạt động giải trí ngoài gia đình hoặc của gia đình là 50% số người được hỏi và 49% người được hỏi nói cần tiết giảm chi phí gas, điện...

Về mối quan tâm sử dụng tiền nhàn rỗi, theo báo cáo trên, ngoài mục đích tiết kiệm, các chỉ số mua sắm như: hoạt động giải trí, mua sắm sản phẩm công nghệ mới, kỳ nghỉ và mua nhà, sửa chữa nhà ở đều giảm từ 2 -5% so với các quý trước.

Đặc biệt, ngoài hạn chế chi tiêu, gửi tiết kiệm, mối quan tâm lớn nhất của người Việt hiện nay là ổn định công việc. Tỷ lệ này tương ứng với 47% số người được hỏi về lĩnh vực quan tâm. Đây là tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các quý như I, II của năm 2016 khi chỉ số lần lượt là 32% và 29%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ được khảo sát trong quý IV/2015 25% số người được hỏi quan tâm đến công việc.

Tỷ lệ người Việt quan tâm đến tình hình sức khỏe, dành tiền cho sức khỏe vẫn nhiều thứ 2 trong quý III/2016 với 34% số người được hỏi, tỷ lệ này nhỉnh hơn chút ít so với các quý trước đó.

Trên thực tế, hiện trạng người Việt dành tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm cao hơn tiêu dùng đã phản ánh đúng về mức độ chi tiêu hàng hóa, tương ứng với đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong các tháng qua chỉ tăng nhẹ, còn chỉ số hàng tồn kho của nhiều ngành sản trong nước vẫn tiếp tục tăng so do sức mua kém và thị trường bị cạnh tranh quyết liệt.

Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2016 chỉ nhích tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2016 tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyễn Tuyền