Đọc vị chứng khoán đến hết năm nay: Ẩn số nào là đáng gờm nhất?

Mai Chi

(Dân trí) - Triển vọng phục hồi kinh tế, chính sách mở cửa của Trung Quốc, "game" nâng hạng chứng khoán, thúc đẩy đầu tư công... đều là những yếu tố rất quan trọng, quyết định đến thị trường chứng khoán năm nay.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua năm 2022 đầy biến động với gam màu tiêu cực bao phủ thị trường kể từ tháng 4 và duy trì gần hết năm. Mặc dù vậy, theo đánh giá của Vietnam Report trong báo cáo mới nhất mới phát hành, trải qua sự sụt giảm mạnh nhất trong 14 năm trở lại đây, TTCK Việt Nam vẫn có những điểm sáng trong năm qua khi ghi nhận kỷ lục về số lượng nhà đầu tư mở tài khoản mới, mức định giá thị trường ở vùng thấp trong nhiều năm mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư dài hạn, khối ngoại mua ròng mạnh mẽ từ nửa cuối quý IV/2022, giúp chỉ số hồi phục và tạo đà tâm lý cho thị trường quý I/2023.

Đọc vị chứng khoán đến hết năm nay: Ẩn số nào là đáng gờm nhất? - 1

Diễn biến VN-Index từ đầu năm (Nguồn: Tradingview).

Sau những diễn biến thăng trầm, TTCK năm 2023 tiếp tục đương đầu với nhiều biến số khó lường. Khi thị trường nhìn chung vẫn khó đoán định với các yếu tố rủi ro từ trong và ngoài nước vẫn đang hiện hữu, đa số doanh nghiệp giữ thái độ không quá lạc quan về triển vọng TTCK 6 tháng cuối năm 2023.

Kết quả khảo sát được tiến hành trong tháng 4 và tháng 5 cho thấy 55,6% số doanh nghiệp đánh giá thị trường sẽ tăng giảm đan xen trong nửa cuối năm nay trong khi 22,2% số doanh nghiệp nhận định thị trường ở trạng thái trầm lắng, thanh khoản cầm chừng.

Nhiều chuyên gia tham gia khảo sát cho rằng TTCK có thể vẫn dao động đi ngang trong 2 quý đầu và có những tín hiệu để kỳ vọng vào diễn biến tích cực hơn trong nửa sau của năm 2023.

Chứng khoán phụ thuộc triển vọng kinh tế vĩ mô như thế nào?

Cũng theo kết quả khảo sát, các chuyên gia và doanh nghiệp đưa ra một số yếu tố có thể gây ra những tác động lớn trên TTCK Việt Nam trong năm nay, mà trước hết phải kể đến triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam. Phục hồi kinh tế thường đi đôi với sự tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp. Khi kinh doanh cải thiện, doanh thu và lợi nhuận của các công ty có thể tăng lên, qua đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu.

Bên cạnh đó, khi triển vọng phục hồi kinh tế tăng, các nhà đầu tư có thể có xu hướng tăng cường đầu tư vào TTCK, từ đó tăng cường thanh khoản và tăng giá cổ phiếu, thị trường vì thế cũng trở nên sôi động hơn. Thêm vào đó, trong quá trình phục hồi kinh tế, Chính phủ và các cơ quan quản lý có thể áp dụng các chính sách kinh tế và tài chính để thúc đẩy tăng trưởng. Các biện pháp như giảm thuế, nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, và đầu tư công có thể có ảnh hưởng tích cực đến tình hình kinh doanh và giá cổ phiếu trên TTCK.

Quan trọng nhất, các dấu hiệu tích cực về triển vọng phục hồi kinh tế sẽ tăng cường niềm tin nhà đầu tư về triển vọng dài hạn của TTCK. Chính vì thế, 100% số chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng thuận rằng triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam là yếu tố quan trọng nhất tác động tới TTCK năm 2023, trong đó 85,7% cho rằng tác động là tích cực, 14,3% lo ngại việc không đạt được các mục tiêu như kế hoạch sẽ gây ra tác động tiêu cực đến tâm lý chung toàn thị trường.

Kinh tế trong nước vẫn trong giai đoạn phục hồi nhưng có biểu hiện giảm tốc. GDP Việt Nam quý I ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ - chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Dù các điều kiện tài chính trong nước đang được nới lỏng, mức tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm yếu do khả năng hấp thụ của nền kinh tế giảm đáng kể. NHNN ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/4 đạt 2,57% so với đầu năm (tăng 9,4% so với cùng kỳ) - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2020.

Tuy nhiên, xét trong tương quan với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, nhận định đây là điểm đến đầu tư lý tưởng với kinh tế vĩ mô ổn định, dư địa chính sách tài khóa còn lớn, vẫn có tiềm năng tăng trưởng và phát triển, do đó sẽ là yếu tố tạo đà cho TTCK.

Đọc vị chứng khoán đến hết năm nay: Ẩn số nào là đáng gờm nhất? - 2

Những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến TTCK năm 2023 (Nguồn: VNR).

Yếu tố Trung Quốc

Dựa trên kết quả khảo sát, 100% các doanh nghiệp thống nhất đây là yếu tố tác động lớn đến TTCK trong năm nay. Trong đó, 71,4% số doanh nghiệp đánh giá đây là yếu tố tích cực, 28,6% còn lại cho rằng động thái này mang lại cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp đại chúng.

Về mặt tích cực, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu lớn nhất và cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2022, khi Trung Quốc thực hiện lockdown, thị trường nước này vẫn chiếm khoảng 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Do đó, việc quốc gia tỷ dân mở cửa trở lại mở ra nhiều kỳ vọng giúp nối lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy, phần nào giảm áp lực lên chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, tăng sự liên kết giữa nền kinh tế Việt Nam và kinh tế khu vực, chẳng hạn như kết nối cơ sở hạ tầng, logistics…

Hơn nữa, đây là cơ hội giúp gia tăng về độ an toàn cho lộ trình tăng trưởng. Theo Morgan Stanley, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp tăng trưởng GDP của nước này tăng thêm 0,4 điểm % và theo đó sẽ trực tiếp giúp tăng trưởng GDP thế giới tăng thêm 0,07 điểm %. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ có tác động lan tỏa đến và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và khu vực ASEAN (trong đó có Việt Nam) nói riêng. Đồng thời, động thái này cũng tăng cơ hội về dòng vốn đầu tư, khách du lịch, xuất khẩu… và tăng nhu cầu và giá hàng hóa, dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Về mặt tiêu cực, mặc dù tốc độ tăng trưởng quý I của Trung Quốc cao hơn dự báo, tuy nhiên, sự khôi phục của nền kinh tế này hiện vẫn chưa đồng đều và chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa. Thêm nữa, Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu đối với thị trường này sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Nam sang Trung Quốc tương ứng đạt 16,4 tỷ USD và 33,3 tỷ USD, giảm 7,9% và 13,4%  so với cùng kỳ năm 2022. Song song với đó, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn, vì các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng đang tập trung vào thị trường Trung Quốc sau mở cửa, do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam phải thay đổi và thích ứng, cải thiện cơ cấu cũng như chất lượng sản phẩm.

Những "biến số" ảnh hưởng đến TTCK

Đẩy mạnh đầu tư công vẫn luôn là chất xúc tác cho thị trường trong vài năm trở lại đây. 57,1% số chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát tiếp tục đặt niềm tin đây sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp nói riêng và TTCK nói chung.

Bộ Tài chính công bố kế hoạch ngân sách cho đầu tư phát triển năm 2023 ở mức 726 triệu tỷ đồng (khoảng 30,5 tỷ USD), cao hơn mức kế hoạch đã sửa đổi cho năm 2022 là 27,2 tỷ USD. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm khi trong 4 tháng đầu năm chỉ ước đạt 14,7% kế hoạch.

Về diễn biến dòng vốn đầu tư của khối ngoại, với quy mô đầu tư lớn, khối ngoại có khả năng tác động đến TTCK thông qua việc mua/bán ròng cổ phiếu, từ đó tạo ra sự dao động mạnh của giá cổ phiếu, ảnh hưởng đến thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư.

Bức tranh về dòng vốn ngoại năm nay được cho sẽ là một bức tranh động, đan xen cả tích cực và tiêu cực (theo đánh giá của 71,4% số chuyên gia và doanh nghiệp) và đây cũng là một biến số tác động lớn với TTCK nước ta trong thời gian tới.

Liên quan đến thị trường trái phiếu, theo nhận định của các chuyên gia, trước đây quy mô thị trường trái phiếu chưa lớn nên không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường tài chính nói chung, tuy nhiên với quy mô như hiện tại, việc thị trường trái phiếu bị nghẽn làm mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, từ đó dẫn đến các thị trường khác cũng bị nghẽn lại và sụt giảm.

Dù thị trường TPDN có những dấu hiệu phục hồi sau nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ nhưng nỗi lo áp lực đáo hạn TPDN cùng với rủi ro thanh khoản, các vấn đề liên quan đến thị trường TPDN và bất động sản vẫn là trở ngại lớn cho toàn thị trường. Giá trị đáo hạn TPDN phát hành riêng lẻ năm 2023 ước tính xấp xỉ 252.000 tỷ đồng, trong đó áp lực đáo hạn sẽ rơi vào quý II, III với 63,4% tổng giá trị đáo hạn. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thông báo chậm trả nợ TPDN đến hạn vẫn ngày càng tăng.

Một số yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến TTCK trong năm còn được đề cập đến là xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia; tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, áp lực lạm phát - tỷ giá. Mặc dù lạm phát toàn cầu có dấu hiệu giảm dần cùng với nỗ lực kiềm chế lạm phát trong nước, lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định khiến nhiều doanh nghiệp đánh giá sức ép từ các yếu tố này sẽ giảm bớt trong thời gian tới, song vẫn là một yếu tố tiềm năng ảnh hưởng lớn đến TTCK trong nước và cần theo dõi chặt chẽ.