EVN đề xuất "sốc", giới đầu tư phản ứng ra sao với DPM và DCM?

Mai Chi

(Dân trí) - Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ bất ngờ được đề nghị xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5.

Trong phiên giao dịch sáng nay (22/5), cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ tiếp tục giảm sâu, mất 2,3% còn 31.400 đồng. Đây là phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp của DPM. Còn DCM đứng giá tham chiếu 23.550 đồng với thanh khoản thấp. Tại 2 mã này, khối ngoại vẫn đang duy trì bán ròng.

Đáng chú ý, phiên sáng nay thanh khoản tại DPM của Đạm Phú Mỹ tăng đột biến lên hơn gần 2,1 triệu cổ phiếu, vượt qua mức bình quân giao dịch toàn phiên trong khoảng 1 tháng trở lại đây là 1,5 triệu cổ phiếu/ngày.

Diễn biến nói trên của cổ phiếu 2 ông lớn ngành đạm trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gần đây có đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Công ty cổ phần và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau hỗ trợ, ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong 2 tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6). Trong đó, trước mắt EVN đề nghị PVN xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5.

EVN đề xuất sốc, giới đầu tư phản ứng ra sao với DPM và DCM? - 1

Thiếu điện, EVN muốn PVN xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5 (Ảnh minh họa: EVN).

Đáp lại, PVN cho biết chủ sở hữu của các nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau là các công ty cổ phần nên những hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, các trường hợp dừng hoặc giảm cấp khí dài hạn theo kế hoạch, đều phải được đại hội đồng cổ đông của các công ty này thông qua trước khi thực hiện.

Việc dừng hoặc giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận, thiện chí, sự hợp tác chia sẻ của cổ đông các nhà máy đạm.

Thêm nữa, theo PVN, việc dừng hay giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia.

Trong khi đó, thị trường chung vẫn đang có diễn biến khá tích cực. VN-Index sáng nay đã thử thách vùng cản 1.070 điểm trước khi quay đầu. Chỉ số chính khép lại phiên sáng với mức tăng nhẹ 0,47 điểm tương ứng 0,04% lên 1.067,54 điểm. Tuy nhiên, độ rộng thị trường vẫn đang nghiêng mạnh về phía các mã tăng giá: Toàn sàn HoSE có 218 mã tăng, 4 mã tăng trần so với 139 mã giảm, 1 mã giảm sàn.

HNX-Index tăng 0,82 điểm tương ứng 0,38% lên 214,73 điểm với 81 mã tăng giá so với 72 mã giảm trên sàn Hà Nội. UPCoM-Index giảm nhưng biến động rất nhẹ ở mức 0,01 điểm.

Thanh khoản thị trường đạt 358 triệu cổ phiếu tương ứng 6.139 tỷ đồng trên sàn HoSE và 42,5 triệu cổ phiếu tương ứng 661 tỷ đồng trên sàn HNX. Thị trường UPCoM có gần 22 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 285 tỷ đồng.

Phần lớn cổ phiếu ngân hàng đang hỗ trợ đà tăng của chỉ số. TCB tăng 2%; EIB tăng 1,6%; TPB tăng 1,5%; STB tăng 1,1%; nhiều mã khác như MBB, BID, HDB, SSB, VPB cũng đang bật sắc xanh trên bảng điện tử. Cổ phiếu dịch vụ tài chính ghi nhận nhiều mã tăng giá như FTS, IBC, BSI, BCG, CTS, HCM, VDS.

Tuy nhiên, sôi động nhất và tăng điểm tốt nhất vẫn là nhóm cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu. HBC và LCG trong phiên sáng nay tăng kịch trần và trắng bán. Trong khi HBC khớp lệnh 2,7 triệu đơn vị và dư mua giá trần hơn 2 triệu đơn vị thì LCG khớp lệnh cao gần 18 triệu cổ phiếu, dư mua giá trần còn 2,1 triệu cổ phiếu.

Một số cổ phiếu xây dựng và vật liệu khác có mức tăng mạnh trên HoSE có thể kể đến FCN tăng 5,5%; HHV tăng 4,9%; VCG tăng 4,6%; DC4 tăng 4,4%; HT1 tăng 3,6%; CII tăng 3,3%.

Nhiều cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến tích cực. SGR tăng trần, ITC tăng 3,8%;  SZL tăng 3,8%; PTL tăng 2,6%; HTN tăng 2,4%; HAR tăng 2,3%.