Doanh nghiệp xuất khẩu đặc sản Tết “khóc ròng” vì thiếu nguyên liệu

(Dân trí) - Dù nhận được hàng loạt đơn đặt hàng từ Mỹ, Nhật... nhưng các doanh nghiệp sản xuất mứt dừa, mứt gừng, bánh chưng, tôm khô, lạp xưởng không dám nhận vì nguyên liệu khan hiếm, kém chất lượng.

Hiện, các cơ sở sản xuất các loại đặc sản Tết như mứt, bánh chưng, bánh kẹo đang tấp nập chuẩn bị hàng cho tết Đinh Dậu. Tuy vậy, khác với mọi năm, những mặt hàng sản xuất ra thời điểm này các doanh nghiệp chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Do nguồn cung ứng nguyên liệu năm nay không đảm bảo chất lượng xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp đành chấp nhận "bỏ" hợp đồng với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Nhiều hợp đồng xuất khẩu phải bỏ vì thiếu nguyên liệu đạt chất lượng
Nhiều hợp đồng xuất khẩu phải bỏ vì thiếu nguyên liệu đạt chất lượng

"Mọi năm, lượng xuất khẩu mứt của công ty đi các nước khoảng 20 tấn. Năm nay số lượng đơn hàng đặt còn nhiều hơn năm ngoái nhưng chúng tôi không có hàng để bán. Đây quả là thiệt hại lớn cho công ty", bà Trần Thị Kim Thuỳ - Trưởng bộ phận sản xuất công ty T.Đ chia sẻ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ việc nguồn cung ứng nguyên liệu khan hiếm do hạn mặn ở miền Tây kéo dài. "Hai loại nguyên liệu chính là gừng và dừa nguồn cung đang khan hiếm hơn một nửa. Do vậy, chúng tôi chỉ đủ nguyên liệu để phục vụ thị trường trong nước chứ không thể xuất khẩu nhiều được. Do đó, lợi nhuận của doanh nghiệp trong mùa Tết này sẽ giảm khoảng 15%", bà Thuỷ cho biết thêm.

Một nguyên nhân khác khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu không dám nhận đơn hàng là do nguồn nguyên liệu sản xuất không đảm bảo chất lượng. Nhiều loại dừa, gừng bị ảnh hưởng của việc xâm nhập mặn nên chất lượng giảm đáng kể. Những sản phẩm đạt chất lượng tốt thì giá thành lại khá cao khiến doanh nghiệp không thể "kham" nổi.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mứt Tết chịu thiệt hại hàng tỉ đồng vì thiếu nguyên liệu.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mứt Tết chịu thiệt hại hàng tỉ đồng vì thiếu nguyên liệu.

Chịu chung số phận với các mặt hàng trên, bánh chưng được xem là mặt hàng thiết yếu của dịp Tết cũng bị hạn chế xuất khẩu vì thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu.

"Mọi năm công ty chúng tôi xuất khẩu khoảng 40% sản lượng bánh chưng ra nước ngoài nhưng năm nay con số đó đã giảm xuống chỉ còn 20%. Dù đã chuẩn bị kỹ nguồn nguyên liệu nhưng năm nay thời tiết quá khắc nghiệt khiến chúng tôi không kịp trở tay. Lá dong mọi năm phát triển rất tốt nhưng năm nay lại bị sâu bệnh, sâu ăn lá nên không đảm bảo chất lượng xuất khẩu", ông Trần Thanh Toàn - chủ cơ sở bánh chưng T.G chia sẻ.

"Do thị trường xuất khẩu đòi hỏi khắt khe về truy xuất nguồn gốc, tồn dư các loại hoá chất nên chúng tôi không dám thu mua các nguyên liệu trôi nổi. Do vậy, chúng tôi phải từ chối nhiều đơn hàng của các đối tác nước ngoài. Ngoài thiệt hại về lợi nhuận, chúng tôi còn mất một lượng khách hàng khá lớn dù trước đó phải rất vất vả mới có được", ông Toàn tâm sự.

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bánh chưng đã chủ động trồng lá, trồng nếp, đậu và nuôi heo nhưng cũng bị thiệt hại nặng nề.

Do hạn mặn nên nếp và lá dong của nhiều địa phương không đạt chuẩn để xuất khẩu.
Do hạn mặn nên nếp và lá dong của nhiều địa phương không đạt chuẩn để xuất khẩu.

"Giá thành được ký kết từ đầu năm nhưng tới nay giá mọi nguyên liệu đều tăng cao khiến doanh nghiệp không thể trở tay. Tuy vậy, để giữ khách chúng tôi phải chấp nhận xuất khẩu dù phải chịu thua thiệt. Hy vọng năm sau thời tiết sẽ ổn định hơn để các nguồn cung ứng nguyên liệu không bị hư hại nhiều. Như vậy, sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp phục vụ hàng Tết mới có thể phát triển được", ông Đỗ Vinh - chủ cơ sở sản xuất bánh chưng U.K cho hay.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Hiền (nông dân Long An) cho biết gia đình ông trồng 5 công gừng chủ yếu phục vụ dịp Tết nhưng năm nay thời tiết không thuận lợi khiến sản lượng giảm chỉ bằng một nửa năm ngoái.

"Mọi năm gia đình tôi thu hoạch được khoảng 10 tấn gừng nhưng năm nay giỏi lắm chỉ được khoảng 5 tấn. Đợt hạn hán hồi đầu năm cùng với nạn xâm mặn khiến gừng phát triển không đều. Nhiều khu vực gừng chết khô khiến chúng tôi không thể khắc phục. Dù rất nhiều doanh nghiệp xuống đặt mua nhưng năm nay chúng tôi không có hàng để bán khiến thiệt hại nặng nề cho gia đình".

Xuân Hinh