1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp Việt vào "sân chơi" ASEAN - Bài 2: Không thể mãi bảo hộ

Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, Nhà nước không thể mãi bảo hộ các doanh nghiệp (DN) vì như vậy là đi ngược xu hướng phát triển. Chỉ có bước vào sân chơi lớn, DN mới có thể phát triển vươn ra ngoài biên giới quốc gia.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Lo nhất DN vừa và nhỏ

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào cuối năm nay sẽ tạo ra một thị trường chung trong khu vực. Các DN nhỏ và vừa (chiếm đến 96% số DN đang hoạt động tại Việt Nam) sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Đặc trưng của các DN này là quy mô nhỏ, linh hoạt thay đổi môi trường kinh doanh, dễ tăng giảm lao động... nhưng lại gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn lớn, khoa học - công nghệ tiên tiến... Hơn nữa, các DN nhỏ và vừa của Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực, nhất là nguồn vốn và kinh nghiệm.

Theo ông An Thế Dũng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, thách thức lớn nhất mà DN phải vượt qua là cạnh tranh, chủ yếu về hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư, các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu về chất lượng hàng hóa.

Doanh nghiệp Việt vào sân chơi ASEAN - Bài 2: Không thể mãi bảo hộ
Các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn khi Việt Nam hội nhập ASEAN. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt khi AEC trở thành hiện thực vào cuối năm 2015, kéo theo 100% thuế suất đối với hàng hóa thông thường từ các nước ASEAN được xóa bỏ. Trong khi hàng hóa Việt Nam đang khó cạnh tranh với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan thì với thị trường hơn 600 triệu dân được tự do hóa, hàng Việt Nam sẽ gặp trở ngại không chỉ đối với nhóm hàng xuất khẩu mà ngay tại thị trường trong nước.

“Các DN nhỏ và vừa không chỉ nhỏ về quy mô vốn, lạc hậu về công nghệ mà năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực. Vì vậy, để giúp DN vượt qua thách thức, tận dụng được cơ hội từ hội nhập kinh tế khu vực, cần có sự nỗ lực chung của cả nền kinh tế, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước và chính bản thân DN”, ông Dũng nói.

Lành mạnh hóa môi trường đầu tư

Theo các chuyên gia, để các DN Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng với DN các nước khác, về phía Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo ra một môi trường hoạt động thuận lợi cho DN, thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo tiền đề cho việc triển khai các cơ chế tự do hóa, nhất là cơ chế hải quan một cửa.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét, các dịch vụ công của Việt Nam được đánh giá là kém hơn các nước trong khu vực. Ví dụ thủ tục thuế, tại Việt Nam mất hơn 800 giờ nhưng các nước chỉ mất hơn 100 giờ. Thủ tục thông quan ở Việt Nam mất 2 - 3 ngày nhưng tại Singapore có khi chỉ vài tiếng. “Ở đây, tôi muốn đề cập hai mặt: DN cạnh tranh và Nhà nước cũng phải cạnh tranh”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đề cập đến việc Nhà nước có thể làm gì để bảo hộ các DN, ông An Thế Dũng cho rằng, Việt Nam là nước đang phát triển, có trình độ kinh tế thấp, đang trong giai đoạn chuyển đổi. Phần lớn DN nằm trong nhóm nhỏ và vừa với năng lực cạnh tranh yếu thì áp lực bảo hộ rất lớn. Các biện pháp thuế quan và phi thuế quan là hai công cụ bảo hộ sản xuất quan trọng đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tuy vậy, việc bảo hộ không thể mãi thực hiện được, bởi theo xu hướng cam kết hội nhập của Việt Nam và các nước, các biện pháp bảo hộ bằng thuế quan và hạn chế định lượng sẽ khó được chấp nhận. Thay vào đó, Chính phủ có thể giúp các DN đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh thông qua các biện pháp như sử dụng thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng và các biện pháp tự vệ, quy định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm... phù hợp với cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới và các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết.

Còn theo TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, các luật về kinh tế hiện đã sửa nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về thuế, thủ tục hành chính, hải quan đối với DN. Việc phối hợp giữa các cơ quan này còn chậm, lỏng lẻo. Để cải thiện điều này, cần nâng cao nhận thức cho từng DN để họ hiểu được yêu cầu của hội nhập, từ đó dựa trên thế mạnh riêng để xây dựng chiến lược hoạt động cho sát với thực trạng của mỗi DN chứ không thể có công thức chung. Nhà nước cần điều hành cơ chế sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp DN không gặp vướng mắc khi hội nhập, hỗ trợ DN về đào tạo nhân lực, thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường tốt để tạo động lực phát triển.   

Theo Hoàng Dương - P.N
Báo Tin tức TTXVN
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm