Doanh nghiệp vàng "biến tướng" để "sống sót"

Nghị định 24 khiến lượng doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn kinh doanh vàng miếng giảm mạnh. Để ‘sống sót’, các doanh nghiệp không đủ chuẩn phải ‘biến tướng’.

Gia tăng số lượng doanh nghiệp vàng đóng cửa

Đi kèm với quyết định vàng SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia là nhiều doanh nghiệp sở hữu thương hiệu vàng miếng riêng không giữ được thương hiệu của mình. Đây đã trở thành vấn đề nóng hổi, gây nhiều tranh cãi trong suốt thời gian qua. Vấn đề lại trở nên nóng hơn khi chiều 4-7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Lê Minh Hưng đã trả lời về một số vấn đề liên quan đến thương hiệu vàng miếng SJC.

Theo Phó Thống đốc, Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ ngày 25-5 đã khẳng định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Chính phủ giao NHNN tổ chức quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng.

Giải thích việc chọn vàng SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia, Phó Thống đốc cho biết vàng miếng SJC là thương hiệu có bề dày, uy tín được cả thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận. Vì chiếm thị phần lớn trên thị trường nên việc tiếp tục sử dụng thương hiệu này vừa tiết kiệm chi phí khi không phải dập lại tên mới, đồng thời lại tránh được việc gây xáo trộn trên thị trường. Nếu phải làm lại tất cả các khâu từ đầu thì sẽ rất tốn kém.

Điều đó đồng nghĩa với việc các thương hiệu vàng miếng của nhiều công ty lớn như vàng Rồng Thăng long của Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phượng hoàng PNJ-DAB của Công ty Cổ phần vàng bạc đá quí Phú Nhuận (PNJ) và Ngân hàng Đông Á (DAB), Vàng ACB của Ngân hàng Á Châu, Vàng Thần tài Sacombank-SBJ của Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín-SBJ sẽ không còn tồn tại.

Doanh nghiệp vàng ‘biến tướng’ để ‘sống sót’
Số lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng sẽ sụt giảm (Ảnh minh họa) 

Như vậy, số lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc sẽ sụt giảm khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định nếu muốn hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng, có ít nhất 2 năm kinh nghiệm kinh doanh vàng, nộp thuế kinh doanh vàng 500 triệu đồng trở lên trong 2 năm gần nhất và có mạng lưới chi nhánh bán hàng tại ít nhất 3  tình, thành phố trực thuộc trung ương.

"Biến tướng" để tồn tại

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam cho biết hiện nay, các công ty kinh doanh vàng miếng đang rất lo lắng khi Thông tư 16 hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành có hiệu lực vào ngày 10/7/2012 sắp tới.

Khi Thông tư 16 có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện mua bán vàng miếng giảm xuống chỉ còn vài doanh nghiệp và ngân hàng. Trong khi các doanh nghiệp đang lo lắng thì họ nhận được lời mời chào hợp tác từ những người có cơ hội “tồn tại”.

Ông Hải cho biết, trong một tháng trở lại đây, Ngân hàng và một số công ty đạt chuẩn đã chào mời các doanh nghiệp vàng làm đại lý ủy nhiệm với các hợp đồng được soạn sẵn, doanh nghiệp chỉ cần điền tên.

Ông Hải nêu rõ, về nguyên tắc, Thông tư 16 cấm doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng không được kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm nhưng các đơn vị đạt chuẩn đã có cách lách như đóng mác cho đối tác. Hiện tượng này đã xảy ra rất nhiều tại khu vực Hà Trung, Hàng Bạc.

Đây được xem là điều… tất yếu sẽ xảy ra vì theo ông Hải khi nhiều doanh nghiệp không được tiếp tục kinh doanh vàng miếng đã tạo ra nhiều biến tướng. Không chỉ có biến tướng, doanh nghiệp núp bóng các đơn vị đạt chuẩn để hoạt động và doanh nghiệp sẽ giao dịch chui.

Trước đây, NHNN đã cấm kinh doanh ngoại tệ nhưng trên thực tế, việc giao dịch ngoại tệ  trên thị trường tự do vẫn diễn ra sôi động và khá công khai. Vì vậy, ông Hải tin rằng sẽ có hiện tượng doanh nghiệp mua bán vàng miếng chui sau khi Thông tư 16 có hiệu lực. Và hiện tượng này thậm chí còn sôi động hơn cả kinh doanh ngoại tệ ở “chợ đen” vì số lượng người nắm giữ vàng lớn hơn rất nhiều so với lượng người nắm giữ ngoại tệ.

Doanh nghiệp vàng ‘biến tướng’ để ‘sống sót’
Sẽ có nhiều "biến tướng" trên thị trường vàng (Ảnh minh họa) 

Theo phân tích của ông Hải, ở Việt Nam, đặc biệt là các vùng nông thôn, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân là rất lớn vì họ không tiếp xúc nhiều với các kênh đầu tư khác như chứng khoán. Vụ việc ở tiệm vàng Kim Sơn (thị trấn Thái Hoà, huyện Tân Uyên, Bình Dương) đã cho thấy rõ nhu cầu có thật về vàng ở nông thôn.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể lợi dụng việc mua vàng miếng để làm vàng nguyên liệu.

Lợi bất cập hại

Ông Hải cho rằng việc NHNN siết chặt việc kinh doanh vàng miếng sẽ tạo ra nhiều biến tướng, gây thiệt hại cho cả Nhà nước và người tiêu dùng. Ông Hải lý giải trước đây cơ quan thuế quản lý từng doanh nghiệp. Nhưng với hợp đồng đại lý ủy nhiệm biến tướng, thay vì quản lý từng doanh nghiệp, cơ quan thuế phải quản lý doanh nghiệp này qua doanh nghiệp khác. Điều đó sẽ gây sai lệch. Mà trên thực tế, sai lệch thường là số nộp thuế giảm đi, gây thiệt hại cho ngân sách.

Khách hàng cũng là người chịu thiệt hại. Khi hai doanh nghiệp kết hợp với nhau sẽ làm gia tăng chi phí. Và chi phí này phần lớn được tính vào giá thành và cuối cùng khách hàng phải mua vào với mức giá cao hơn nhưng bán ra lại chỉ nhận về mức giá thấp hơn.

Doanh nghiệp nhận làm đại lý ủy nhiệm cũng thiệt thòi. Nếu trước đây, họ tự hoạt động, tự điều chỉnh theo giá thị trường thì bây giờ khi hoạt động núp bóng doanh nghiệp khác, họ phải hoạt động theo chính sách chung, chịu mức khoán,… Ngoài ra, đề phòng bị NHNN phát hiện, họ phải dành ra một khoản chi phí “ngụy trang”.

Cuối cùng, chỉ doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn kinh doanh vàng miếng SJC là có lợi - ông Hải đánh giá.
 
Theo Bảo Linh
VTCNews