Doanh nghiệp vận tải "bức xúc" khi bị nói "chây ì", "móc túi người tiêu dùng"
(Dân trí) - Doanh nghiệp vận tải Hà Nội vừa có những "đáp trả" sau khi bị dư luận phê phán, chỉ trích các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định chậm giảm giá cước trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh.
Doanh nghiệp bức xúc vì bị chỉ trích
Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, mới đây Hiệp hội đã nhận được thư ngỏ của doanh nghiệp vận tải cho rằng, các chỉ trích cho rằng doanh nghiệp vận tải “cố tình chây ì” giảm cước, móc túi người tiêu dùng” là quá nặng nề. Trong đó, nhiều thông tin về mức tăng giảm giá nhiên liệu theo thời điểm kê khai giá cước của doanh nghiệp chưa chính xác và đầy đủ.
Đồng thời, các thông tin truyền thông đưa về việc các cơ quan chức năng ngành giao thông, ngành tài chính đã có các văn bản và biện pháp cứng rắn ép các doanh nghiệp vận tải phải giảm giá cước vận tải gây nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp vận tải cố định theo tuyến cố định.
Ông Liên cho biết: “Hiệp hội hoàn toàn nhất trí và đồng tình với các thông tin, lập luận, căn cứ chính xác và khoa học trên. Chúng tôi sẽ kết hợp với một số thông tin khác để phối hợp với Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét, gỡ rối cho các đơn vị vận tải tuyến cố định”.
Ông Liên nhấn mạnh: “Cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp vận tải đầu tiên là rà soát xong mới xem có hợp lý không để điều chỉnh. Tuy nhiên, cách diễn đạt không đúng khiến dư luận hiểu thành doanh nghiệp trước tăng giá cước theo giá xăng dầu nên giờ phải giảm và không giảm là cù nhầy, chạy theo lợi nhuận”.
Trước đó, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng đang chịu nhiều thiệt hại khi các doanh nghiệp không chịu giảm giá cước vận tải, mặc dù giá xăng dầu đã giảm 5 lần liên tiếp (khoảng 16,73%) trong ba tháng vừa qua.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng giá cước taxi ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.
"So với thành phố đắt đỏ nhất thế giới như Singapore, cước taxi tại Hà Nội đang cao hơn 26,4-60% và ở TPHCM cao hơn 66,7-78,2%”, ông Thoả so sánh.
Theo phân tích của ông Thoả, nếu so với mức giá trước ngày 4/7/2015 thì xăng đã giảm 16,3%, dầu diesel giảm 17,21%. Như vậy, khi xăng dầu giảm mà các yếu tố cấu thành giá khác (như khấu hao, tiền lương…) trong khoảng 2 tháng qua không có biến động tăng thì giá cước với xe chạy xăng có thể giảm tối đa 884 đồng/km.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cũng cho biết: “Chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng đang phải chịu thiệt hại không nhỏ từ mức cước vận tải bất hợp lý và quá cao hiện nay”.
Tuy nhiên, phía đại diện doanh nghiệp vận tải Hà Nội cho hay, khi giá xăng dầu tăng thì chỉ có 3 doanh nghiệp taxi tăng giá và những hãng này đã điều chỉnh giảm khi giá xăng dầu giảm. Còn về tuyến cố định, từ khi giá tăng chưa có đơn vị nào tăng giá mà hầu hết vẫn giữ như mức cuối năm ngoái và đầu năm nay.
“Không thể nói giá xăng dầu tăng 10% thì cước phải giảm 5%. Nói như vậy là không đúng, không hợp lý và chưa tìm hiểu thực tế nên các doanh nghiệp vận tải không đồng tình. Cần có sự nghiên cứu, đánh giá dựa trên từng loại xe và chất lượng hạ tầng mới xác định được tỷ lệ chính xác để từ đó có mức giảm tương ứng phù hợp”, ông Liên nói.
Ai chấp thuận rồi giờ nói cao?
Trước ý kiến cho rằng giá cước bất hợp lý, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: “Cần phải xác định rõ ở đây có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, phải phạt người thẩm định trước. Ai đồng ý cho giá cước như thế mà giờ lại nói là cao hay thấp? Việt Nam cần có một cơ quan khảo sát, đánh giá, nghiên cứu thực sự để biết giá cước có hợp lý hay không”.
“Ngành vận tải là ngành công nghiệp dịch vụ phải đầu tư vốn lớn nên phải có kế hoạch và chiến lược phát triển lâu dài. Doanh thu quyết định thành bại của doanh nghiệp, nếu doanh thu mất ổn định thì doanh nghiệp không thể ổn định được. Cước xăng dầu thay đổi 15 ngày 1 lần, người bán xăng điều chỉnh được nhưng doanh nghiệp vận tải rất khó điều chỉnh. Chúng tôi chỉ cầu mong làm sao nghiên cứu ổn định giá cước trong một khoảng thời gian nhất định chứ không phải nay xăng giảm thì bắt giảm, mai xăng tăng lại tăng cước”, ông nói thêm.
Ông Liên cũng cho rằng, giá cước taxi khoảng 11.000 đồng/km có thể cao so với nhiều tầng lớp người dân nhưng riêng giá cước tuyến cố định chưa phải là cao bởi phải chịu rất nhiều loại phí. Dẫn phản ánh của từ doanh nghiệp vận tải, ông Liên cho biết, hiện nay kinh doanh vận chuyển hành khách tuyến cố định rất khó khăn khi cung vượt cầu, cạnh tranh khốc liệt, sản lượng hành khách giảm từ 5 - 10%, cả tuần chỉ được 2 ngày cuối tuần đủ khách còn những ngày giữa tuần chạy xe lượng khách không nổi 50% số ghế.
Ngoài ra, trong lĩnh vực vận tải hành khách theo tuyến cố định, các doanh nghiệp đầu tư phương tiện vận tải giá thành cao gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực đồng thời một số chi phí khác tăng cao như: lương, BHXH, vật tư sửa chữa, vé cầu đường các tuyến BOT. Ngoài ra chỉ số lợi nhuận trong bảng kê khai giá cước của các doanh nghiệp vận tải quá thấp chỉ từ 3-5% thì doanh nghiệp khó có khả năng tái đầu tư phương tiện mới, phục vụ tốt hơn cho hành khách.
Xác nhận thực tế này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng việc DN vận tải chây ì giảm giá cước xuất phát từ cung cầu. Thị trường kém cạnh tranh, không có cạnh tranh, cầu lớn hơn cung đã dẫn đến tình trạng này.
Phương Dung