Doanh nghiệp đã thay "chiến thuật" kinh doanh ra sao trong mùa Covid?
(Dân trí) - Một doanh nghiệp du lịch đã có lúc phải cắt giảm đến 90% nhân sự. Trước khó khăn cực cùng, doanh nghiệp này đã quyết định chuyển hướng qua làm khẩu trang kháng khuẩn để tồn tại qua mùa dịch.
Ông Trần Văn Long, đại diện Công ty Du lịch Việt cho biết, công ty ông là đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến công ty phải cắt giảm đến 90% nhân sự trong đợt cao điểm dịch bệnh.
“Khi dịch bệnh bùng phát lần thứ nhất, tôi nghĩ công ty sẽ chuyển sang làm khẩu trang, nước rửa tay, đồ bảo hộ để cầm chừng cho người lao động có việc làm. Thế nhưng, dịch bệnh bùng phát lần thứ hai khiến tôi đã quyết định tập trung đầu tư sản xuất trang thiết bị bảo hộ y tế làm mảng chủ lực trong khi chờ du lịch hồi phục”, ông Long nói.
Theo ông Long, hiện nay, thị trường khẩu trang tại Việt Nam đang khá “bát nháo” do khẩu trang “dỏm” không có chức năng kháng khuẩn hoành hành. Trong khi đó, giá thành những sản phẩm khẩu trang kém chất lượng lại cao, rẻ nhất là 70.000 – 80.000 đồng/hộp.
“Phần quan trọng nhất của chiếc khẩu trang đạt chuẩn chính là lớp vải kháng khuẩn. Nhưng lớp vải kháng khuẩn này lại chiếm đến 2/3 giá thành của chiếc khẩu trang, chính vì vậy mà nhiều đơn vị sản xuất không dám đầu tư vì chi phí cao, lợi nhuận thấp. Đây cũng là lý do khiến khẩu trang kém chất lượng vẫn tràn ngập thị trường”, ông Long chia sẻ.
Cũng theo ông Long, doanh nghiệp của ông đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để sản xuất trang thiết bị y tế tại tỉnh Tiền Giang, Bắc Ninh và quận 12 (TPHCM). Các sản phẩm đều là “Made in Vietnam” 100%.
Ông Long cho biết, việc sản xuất khẩu trang và các mặt hàng khác không phải vì mục đích kinh tế. Và nguyện vọng chủ yếu là chia sẻ giá thành với người tiêu dùng. Mỗi hộp khẩu trang “xịn”, đạt chuẩn chức năng kháng khuẩn đang được doanh nghiệp bán ra thị trường với giá 59.000 đồng/hộp.
Không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tự tìm “phao cứu sinh” cho mình mà nhiều “ông lớn” trong ngành bán lẻ cũng đang chuyển đổi mô hình kinh doanh một cách mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, đại diện chuỗi siêu thị Điện máy Xanh cho biết, dịch Covid-19 đã khiến thị trường điện máy gặp nhiều khó khăn, doanh thu tại nhiều khu vực bị giảm. Trong đó, doanh thu tại một số thị trường miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam bị giảm khá mạnh vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tuy nhiên, trước những khó khăn này thì doanh nghiệp quyết định thử nghiệm mô hình mới, đó là kiểu cửa hàng điện máy “siêu nhỏ”.
“Đây là mô hình Điện Máy Xanh - super mini, những cửa hàng này chỉ có diện tích từ 120 – 150m2, mỗi cửa hàng chỉ cần 4 nhân viên. Cửa hàng siêu nhỏ sẽ được tập trung khai thác ở thị trường nông thôn, vùng xa đô thị. Việc này giúp người dân ở khu vực nông thôn có thể tiếp cận được những sản phẩm chính hãng, chất lượng nhưng giá cả phải chăng”, ông Hiểu Em nói.
Theo ông Hiểu Em, trước khi triển khai mô hình cửa hàng “siêu nhỏ” thì nhóm nghiên cứu nhận thấy, người dân tại các vùng nông thôn phải đi xa 20 – 30km để đến các cửa hàng Điện máy Xanh lựa chọn hàng hóa. Chính vì sự bất tiện này mà cửa hàng “siêu nhỏ” được ra đời.
Cũng theo ông Hiểu Em, mỗi cửa hàng “siêu nhỏ” đang có doanh thu từ 1 – 1,2 tỷ đồng/tháng. Thế nhưng, chi phí thuê mặt bằng, xây dựng, thiết kế cửa hàng lại được cắt giảm tối đa khiến tỉ suất lợi nhuận tăng cao.
Ngoài ra, các nền tảng vận hành khác như hệ thống quản lý, kho bãi, logistics… đều tận dụng hệ thống sẵn có của Điện máy Xanh mini. Nhân viên cũng được chuẩn hóa theo mô hình “All in one”, tức một nhân viên làm được nhiều việc, gia tăng năng suất, một quản lý có thể phụ trách 2 – 3 cửa hàng. Đây cũng là những lý do khiến tỉ suất lợi nhuận của mô hình cửa hàng “siêu nhỏ” cao hơn những mô hình cũ.
Không chỉ có ngành kinh doanh điện máy phải thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với khó khăn mà ngành thị kinh doanh thực phẩm cũng đang phải thay đổi từng ngày.
Ông Trần Kinh Doanh, đại diện chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh chia sẻ, doanh nghiệp này phân tích và nhận ra rằng, khách hàng đến Bách hóa Xanh vẫn “mua sắm chưa đã”. Chính vì vậy, doanh nghiệp đã quyết định chuyển đổi và mở thêm nhiều cửa hàng có diện tích từ 500m2 trở lên thay vì 200 – 300m2 như trước kia.
“Với những cửa hàng lớn, chúng tôi có thể trưng bày được khoảng hơn 4.500 mã hàng. Chúng tôi cũng quyết định bán gạo, rau củ quả theo phong cách bán “xá”, tức là bán như chợ truyền thống. Gạo, rau củ quả được bày bán ngay phía trước cửa hàng. Người dân dừng xe là có thể mua sắm ngay”, ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, nhờ áp dụng cách bán “xá” mà lượng rau củ quả bán ra tăng từ 20 – 30% so với việc bán bên trong cửa hàng. Lượng gạo bán ra cũng tăng gấp 3 lần nhờ cách bán “xá”.
Cũng theo ông Doanh, những cửa hàng diện tích lớn hơn 500m2 đang mang về doanh thu từ 120 – 170 triệu đồng ngày. Mỗi tháng đạt từ 4 – 4,5 tỷ đồng/cửa hàng.
Bên cạnh nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh cũng “kèm thêm” một nhà thuốc tây An Khang nhằm tối ưu tiện ích cho khách hàng. Và doanh thu của các tiệm thuốc tây này cũng tăng “đột biến” từ 70 - 100% so với trước.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho biết, thay vì bị động chờ đợi dịch bệnh đi qua thì doanh nghiệp nên tận dụng thời gian này để nhìn lại mình, tái cơ cấu và tăng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, nâng cao tay nghề lao động thông qua đào tạo từ xa... chuẩn bị sẵn sàng để phục hồi, bứt phá thời kỳ hậu dịch bệnh.
"Dịch Covid-19 đã làm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề. Doanh nghiệp dù muốn hay không cũng phải tuân theo sự thay đổi đó. Những doanh nghiệp chậm thay đổi, chậm thích nghi và chậm ứng dụng công nghệ vào sản xuất, vận hành thì sẽ có ít cơ hội, nhiều rủi ro hơn", tiến sĩ Ngân nhận định.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế tại TPHCM, dịch Covid-19 đang là cuộc “thanh lọc” thực sự đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào không thể thích nghi, không kịp thay đổi thì sẽ bị "đào thải".
Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến giữa UBND TPHCM với các quận, huyện về công tác phòng chống dịch Covid-19 và triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế, Cục Thuế thành phố cho biết, tính đến ngày 31/7, thành phố đã có hơn 21.000 doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh, giải thể khiến số vốn giảm xuống hơn 12.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, việc phục hồi kinh tế của TPHCM đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi dịch bệnh có diễn biến khó lường.
Việc nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và giải thể đã kéo theo hàng chục ngàn lao động mất việc, gây tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng kinh của thành phố.
Trước tình hình này, ông Phong yêu cầu các quận huyện, sở ngành đưa ra các giải pháp cụ thể để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố tham mưu, đề xuất phương án gói hỗ thứ 2 cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Trước đó, HĐND TPHCM đã có Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND về hỗ trợ người lao động mất việc do Covid-19 và hỗ trợ nhiều thành phần khác trong xã hội với tổng mức hỗ trợ dự kiến lên tới 2.753 tỷ đồng.