Doanh nghiệp Trung Quốc điêu đứng vì kinh tế èo uột
(Dân trí) - Kinh tế giảm tốc vì hoạt động xuất khẩu ế ẩm trong khi chính sách kích thích kinh tế của chính phủ chưa phát huy tác dụng đang khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải điêu đứng vì sản xuất đình trệ, tương lai u ám.
Từng là một trung tâm sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, vậy nhưng giờ đây Quảng Đông đang ngày một trở lên vắng vẻ. Các nhà máy sản xuất cầm chừng khiến công nhân lũ lượt rời đến các thành phố trung tâm lớn khác.
Đứng cạnh chiếc bàn đặt ở lề đường, Liao Ping, một nhân viên tuyển dụng của công ty giày Luyang cho biết việc thuyết phục được một công nhân nào đó vào làm việc chẳng khác nào trúng xổ số. “Có ngày tôi mời được 2 người nhưng hầu hết kết quả chỉ là con số 0”, Liao chia sẻ với phóng viên Bloomberg. Nhu cầu thị trường suy yếu đã khiến hoạt động xuất khẩu sụt giảm còn công nhân bỏ tới các khu vực miền Trung và miền Tây.
Tại khắp thành phố Dongguan, một trung tâm công nghiệp của Quảng Đông, người ta có thể dễ dàng tìm thấy các nhà xưởng trống vắng, những khu tập thể dành cho công nhân bỏ không, đâu đâu cũng thấy băng rôn thông báo tuyển dụng.
Quảng Đông đang phải đối mặt với năm kinh tế tăng trưởng chậm nhất từ 1989 sau khi các doanh nghiệp ở những ngành chủ lực như đồ chơi, da giày và dệt may dần chuyển tới các tỉnh sâu trong nội địa hoặc ra nước ngoài trong khi các dự án chuyển đổi để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao hơn vẫn còn dang dở.
“Tình hình thật đau lòng còn quá trình nâng cấp kinh kế đang diễn ra không suôn sẻ nhưng đó vẫn là cách duy nhất để đi lên”, Cheng Jiansan, nhà nghiên cứu tại Viện khoa học xã hội Quảng Đông và là chuyên gia tư vấn cho lãnh đạo tỉnh 10 năm qua nhận xét. “Sự suy giảm sức cầu hàng hóa từ nước ngoài có thể là tốt cho chúng tôi về lâu dài bởi các hoạt động sản xuất gia công cấp thấp sẽ biến mất”.
Trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng GDP của Quảng Đông chỉ là 7,4%, thấp hơn nhiều những năm trước. Đầu thập niên 1990, GDP của tỉnh này từng tăng trưởng tới 23% khi nhà đầu tư từ Hồng Kông và Đài Loan đổ vốn ồ ạt, thu hút về đây hàng triệu lao động. Nhưng giờ tình hình đã rất ảm đạm. Riêng tại thành phố Dongguan, GDP qúy I chỉ tăng 1,3%.
Theo Lu Ting, nhà kinh tế của ngân hàng Bank of America Corp., Hồng Kông, số liệu GDP do các địa phương báo cáo có thể bị “thổi phồng”. Khi cộng lại, chúng khiến cho tính toán của chính phủ Trung Quốc bị đội lên.
Uể oải ngồi trên chiếc ghế đẩu trên lề đường ở Chiling, một khu vực của thành phố Dongguan, Liao chia sẻ: “Công ty luôn thiếu nhân sự nhưng ở khu vực này giờ không còn đủ người”. Trước mặt anh là tấm bảng xanh ngả vào bàn với những thông tin tuyển dụng nghe đầy hấp dẫn: “lương cơ bản 2100 nhân dân tệ/tháng (khoảng 330 USD), ăn ở miễn phí, từ năm thứ hai được hưởng 10 ngày phép có lương, có thư viện và thiết bị giải trí”.
Cách đó chừng 30 km, tại một khu nhà xưởng từng sản xuất cửa và khung cửa sổ, sân bóng rổ của công nhân tịnh không một bóng người, dãy nhà ở cũng trống không. Toàn khu nhà đã bị khóa, cửa sổ và cửa đi bị ném vỡ kính. Trên cửa sổ phòng bản vệ những trang báo của tờ Guangzhou Daily ra ngày 9/6/2011 được dán lên lem luốc. Một dòng chữ viết tay nguệch ngoạc: “Xưởng cho thuê”.
Hiện Quảng Đông đang đặt cược tương lai của mình vào việc phát triển khu công nghệ cao rộng 72 km2 ở Songshan Lake, nơi nhà sản xuất màn hình LCD Wintek Corp của Đài Loan đang mở rộng sản xuất. Trong khi đó một khu vực có tên Qianhai với diện tích 15 km2 được chọn để phát triển thành trung tâm dịch vụ tài chính.
Nhưng trước khi những kế hoạch này thành hiện thực, Quảng Đông sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều năm tăng trưởng èo uột. “Quảng Đông phải chấp nhận thực tại rằng trong thời điểm hiện tại và tương lai gân, tăng trưởng sẽ thấp hơn mức trung bình của cả nước”, ông Cheng nói và dự báo mức tăng trưởng 10 năm tới chỉ khoảng 6%.
“Năm 2012 là năm đặc biệt khó khăn với khoảng 1/3 lao động nhập cư đã bỏ đi khiến thiếu lao động trở thành vấn đề số 1 ở đây”, Chen Jian, lãnh đạo của công ty nhân sự Lixiang Human Resources tại Dongguan nói. “Chi phí lao động đang tăng mạnh khiến rất nhiều nhà xưởng nhỏ, sử dụng nhiều lao động phải chịu áp lực khủng khiếp”.
Guan Shiyou, một công nhân nhập cư 25 tuổi cho biết hiện lương cơ bản của anh là 2400 nhân dân tệ/tháng, gấp hơn 3 lần mức anh được trả 10 năm trước. Hơn thế anh còn được cung cấp đồ ăn và chỗ ở miễn phí cùng tiền làm thêm giờ, những thứ mà trước đây không hề có. Thế nhưng Guan giờ đang muốn trở về quê ở Guangxi nếu kiếm được việc gì có mức lương 1500 nhân dân tệ/tháng.
Deng Bin, giám đốc bán hàng của Weida Electronics Factory, một công ty sản xuất tụ điện thì nhận định: “Bạn không thể thấy nơi nào mà việc tuyển dụng lại khó khăn như ở Dongguan”. Bản thân công ty của ông cũng đã rời Quảng Đông sang tỉnh Jiangsu.
Không chỉ các công ty Trung Quốc, những “đại gia” tầm cỡ thế giới như Dell Inc. và Intel Corp cũng đã rời nhà máy tới các khu vực sâu trong nội địa, nơi có chi phí nhân công rẻ hơn. Tương tự Foxconn Technology Group, nhà lắp ráp thiết bị cho Apple và HP cũng đang xây dựng nhà máy tại Sichuan và Henan. Số ít khác như Adidas thậm chí đã đóng cửa nhà máy duy nhất của mình tại Trung Quốc bởi chi phí lao động tăng cao.
Thanh Tùng
Lược dịch theo Bloomberg