Doanh nghiệp trăm triệu “bán” trăm tỷ trái phiếu: Chuyện lạ khác

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp như lên cơn sốt, lượng phát hành lớn từ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản.

Sự sụt giảm đến 58% so với tháng 7/2020 trong việc phát hành trái phiếu chính phủ tháng 8 có lẽ không phải là một tin đáng để buồn. Việt Nam đang có hàng trăm ngàn tỷ vốn đầu tư công chưa thể giải ngân, đồng nghĩa việc tăng vay nợ để dành cho mục đích này không phải là một chiến lược đáng mơ ước.

Thêm nữa, khó có thể lý giải cho việc hút vốn từ nền kinh tế vốn đang ngặt nghèo để phục vụ các nhu cầu chi tiêu công mà lại không phải là đầu tư công. Vả lại, khi vẫn chưa có vaccine đại trà để kiềm chế dịch bệnh Covid-19, tâm lý e ngại của nhà đầu tư với các loại hình trái phiếu cũng là điều dễ hiểu.

Doanh nghiệp trăm triệu “bán” trăm tỷ trái phiếu: Chuyện lạ khác - 1

Một doanh nghiệp cắt tóc, gội đầu huy động được gần 780 tỷ đồng trái phiếu (Ảnh minh họa)

Vậy nhưng, cơn cảm lạnh bởi những lý do hết sức khách quan của trái phiếu chính phủ khác xa với hiện trạng cơn sốt nóng của trái phiếu doanh nghiệp. Theo số liệu của Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội HNX, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong tháng 8 vừa qua là 40.403 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với tháng trước đó.

Tính chung 8 tháng đầu năm, lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ước đạt gần 220.000 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành nhiều nhất với khối lượng đạt 69.996 tỷ đồng, tiếp đến là các doanh nghiệp bất động sản, trong đó ghi nhận nhiều ông lớn trong mảng kinh doanh này.

Nhìn vào những số liệu trên, tưởng như hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng và thị trường bất động sản miễn nhiễm với tác họa từ dịch bệnh Covid-19. Một lượng tiền lớn từ các nhà đầu tư đang đổ dồn vào hai mảng kinh doanh này thông qua trái phiếu và kỳ hạn phát hành bình quân chỉ khoảng 3,7 năm. Như vậy, nhiều khả năng dòng tín dụng huy động sẽ được sử dụng cho những dự án đang hoặc sẽ triển khai trong thời gian ngắn, điều có vẻ như trái ngược hẳn với diễn biến thực tế của hai lĩnh vực kinh doanh này.

Trong lĩnh vực tín dụng, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 19/6/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2,45%. Ngân hàng "thừa tiền" là vấn đề được đề cập từ quý II/2020 và chính Ngân hàng Nhà nước cũng từng xác nhận, nhiều địa phương đang có hiện tượng dư thừa nguồn vốn, huy động nhiều hơn cho vay.  

Những lời giải thích kiểu như "phát hành trái phiếu trung, dài hạn nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng thời gian tới" hay "tạo nguồn vốn có kì hạn dài để đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn của khách hàng" rất đúng về mặt lý thuyết nhưng lại vấp phải câu hỏi lớn, trong bối cảnh dịch bệnh chưa thể kiểm soát hoàn toàn, đó là khách hàng của các tổ chức tín dụng này là những ai? Và giả sử có viễn cảnh tươi đẹp về sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch, chi phí mà doanh nghiệp phải trả thêm cho sự lo xa của các ngân hàng sẽ tạo nên gánh nặng như thế nào?

Bức tranh bất động sản cũng không nhiều gam màu sáng sủa hơn. Theo dữ liệu của Savills Việt Nam, trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung căn hộ trên thị trường sơ cấp giảm 52% theo năm, với hơn 9.100 căn, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Lượng giao dịch căn hộ nửa đầu năm cũng giảm 55% theo năm, chỉ đạt hơn 6.800 căn - mức thấp nhất trong nửa thập niên trở lại đây. 

Kỳ vọng nhu cầu của thị trường vẫn rất lớn và việc dồn tiền cho các dự án mới được hiểu như một cách đón đầu làn sóng đầu tư mới không được xây dựng trên nhiều nền tảng chắc chắn. Chưa thấy có dấu hiệu khởi sắc trong phân khúc bất động sản trung bình thấp, đích đến trong giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của hàng trăm ngàn người lao động, chứng tỏ những dự án mới vẫn tiếp tục tập trung vào phân khúc trung và cao cấp, vốn đang gây nhiều lo ngại về tình trạng thừa nguồn cung.

Đáng nói, bất chấp tính thanh khoản thấp và tình hình kinh tế không khả quan, giá bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn tiếp tục tăng cao. Nghi vấn dòng tiền được xoay chuyển để giữ giá hoặc đẩy giá bất động sản không phải là không có cơ sở…

Thực trạng này có thể gây một cơn đau đầu dữ dội hơn nếu lần tiếp tới câu hỏi, ai là người mua trái phiếu? Đầu tiên, xét ở nhóm trái phiếu ngân hàng. Cuối năm 2019, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đã đưa ra một nghi vấn rất đáng chú ý, rất có thể các ngân hàng đang sở hữu chéo trái phiếu của nhau. Nhận định trên được tổ chức này đưa ra dựa trên phân tích báo cáo tài chính bán niên của 18 ngân hàng thương mại niêm yết.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng trái phiếu của các tổ chức tín dụng mà các ngân hàng thương mại nắm giữ tăng thêm tới 56.400 tỷ đồng, con số khá tương đồng với lượng trái phiếu các ngân hàng thương mại đã phát hành. Nếu điều này thật sự đã xảy ra và vẫn tiếp diễn, cấu trúc sở hữu chéo… lại càng gia tăng. Nên nhớ, hoạt động cho vay của ngân hàng phần nào phản ánh năng lực hấp thụ tín dụng, hay chính là sức khỏe của nền kinh tế.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cũng đang tồn tại một nghi vấn tương tự. Cũng theo báo cáo của SSI, nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất trong quý 2/2020, đạt 71.600 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5% so với cùng kỳ. Xét riêng các doanh nghiệp bất động sản, bên mua là ngân hàng thương mại với 28.200 tỷ đồng trái phiếu bất động sản trên thị trường sơ cấp, chiếm 40% tổng lượng phát hành.

Trong trường hợp băn khoăn việc ngân hàng ‘né rào cản’ cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn thông qua việc mua lại trái phiếu của nhóm doanh nghiệp này được xác thực, mối liên kết giữa ngân hàng và bất động sản sẽ tiếp tục bền chặt hơn. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về các ngân hàng hoạt động yếu kém, gây nợ xấu lớn hơn nhiều lần vốn pháp định và đừng để kịch bản này lặp lại. Những chỉ đạo mang tính cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước xem ra là chưa đủ mạnh.

Mới đây, hiện tượng một số doanh nghiệp có số vốn đăng ký chỉ vài trăm triệu đồng lại có thể huy động được lượng trái phiếu lên tới hàng trăm tỷ đồng đã khiến cho giới kinh tế hết sức bất ngờ. Ở đây, những ràng buộc về phát hành trái phiếu so với vốn điều lệ và khả năng kinh doanh chưa kịp được áp dụng chặt chẽ. Khoản lãi suất như mơ trong bối cảnh kinh doanh khó khăn có thể làm lóa mắt nhiều nhà đầu tư cá nhân và đừng tự an ủi rằng, đó là những giao dịch mang tính chất dân sự.

Chúng ta chưa thể quên bóng ma tín dụng đen đã hiện hình thành những con quái vật hết sức xấu xí, bán hàng đa cấp biến tướng tạo nên những vụ án hình sự với số tiền lừa đảo lên tới hàng ngàn tỷ đồng trong thời gian qua. Câu chuyện phát hành trái phiếu cũng nên thận trọng để nhà đầu tư dù “lời ăn, lỗ chịu” nhưng trong một thị trường minh bạch và có kiểm soát chặt chẽ.