1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc: người hùng hay tội đồ? (P1)

(Dân trí) - Được hưởng những ưu ái đặc biệt từ chính phủ, các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đã đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên cũng chính những doanh nghiệp ấy đang tạo ra nhiều vấn đề khiến người ta lo ngại.

“Trong những năm 1980 và đầu 1990, rất nhiều quan chức chính phủ và các giáo sư đại học chuyển sang kinh doanh để làm giàu. Giờ mọi người không còn có được sự dũng cảm ấy nữa. Quan điểm chung của mọi người, của môi trường đầu tư, các định chế , đó là đều ngả về phía các doanh nghiệp lớn hơn là các công ty nhỏ, công ty mới khởi nghiệp”, Wang Jianlin, chủ tịch tập đoàn bất động sản (BĐS) Dalian Wanda phát biểu trước các phóng viên trong buổi lễ ký kết hợp đồng mua lại chuỗi rạp chiếu phim AMC Entertainment tại Mỹ hồi tháng 5.

Tàu cao tốc gây tai nạn – một dự án do doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đầu tư
Tàu cao tốc gây tai nạn – một dự án do doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đầu tư

Wang, một doanh nhân thành công đang sở hữu một du thuyền 24m cùng một máy bay riêng, cho biết vài năm gần đây ông thấy rất nhiều nhà đầu tư người Trung Quốc đã bán công ty của mình để ra nước ngoài. “Khi hầu hết các doanh nhân không còn động lực phấn đấu, họ bán doanh nghiệp để đi tận hưởng cuộc sống bởi không còn gì để kinh doanh ở đất nước này”.

Những nhận xét của Wang đã cho thấy phần nào những tranh cãi đang nóng lên từng ngày tại Trung Quốc: liệu cấu trúc của nền kinh tế có hủy hoại kinh tế tư nhân. Và như thường lệ ở đất nước này, mối quan tâm hàng đầu đó là câu nói cửa miệng “guojin mintui”, có nghĩa là “nhà nước tiến lên, tư nhân tụt hậu”.

Từ lâu việc kiểm soát toàn bộ các lĩnh vực then chốt luôn là chính sách của Bắc Kinh. Tuy những năm 1970 nền kinh tế có sự chuyển đổi, với sự phát triển nhanh, đan xen giữa kinh tế tư nhân với các doanh nghiệp quốc doanh (state owned enterprises - SOE), nhưng gần đây xu hướng này không còn được giữ vững.

“Chúng tôi nhận thấy có sự nổi lên của những tập đoàn công nghiệp rất hùng mạnh có mối liên hệ chặt chẽ với Nhà nước”, Mark Williams, kinh tế trưởng khu vực châu Á của quỹ đầu tư Capital Economics tại London nhận định. “Xu hướng này mới bùng lên mạnh từ năm 2008 khi chính phủ tập trung hoàn toàn vào việc thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc chuyển vốn đầu tư cho các SOE”.

Trong khi đó các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn bị lạnh nhạt lại bị tác động mạnh bởi nhu cầu giảm sút ở các thị trường nước ngoài, chi phí nhân công tăng còn khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế. Một số người Trung Quốc cho rằng các SOE là hòn đá tảng của nền kinh tế trong khi những người khác lại xem sự khuynh loát ngày càng tăng của những doanh nghiệp này là một sự chệch hướng nguy hiểm so với tư tưởng cải cách.

“Hiện tại đang có sự tranh cãi lớn về định hướng phát triển”, Patrick Chovanec, phó giáo sư tại Đại học kinh kế và quản lý Tsinghua, Bắc Kinh nói. “Liệu có phải mô hình kinh tế thị trường hay tư bản nhà nước của Trung Quốc không chỉ thành công mà còn đang lấn át thế giới? Liệu đó có phải là chỉ báo cho tương lai? Hay có điều gì đó không đúng đắn với mô hình đó, liệu nó có thiếu bền vững hay cần phải được thay đổi không?”.

Nhiều nhà kinh tế đều chỉ ra rằng kỷ nguyên tăng trưởng nhanh dựa vào xuất khẩu và đầu tư đã kết thúc. Và rằng Bắc Kinh cần xây dựng tăng trưởng dựa trên tiêu dùng cá nhân và kinh tế tư nhân. Dù vậy việc gạt các SOE sang một bên không phải chuyện dễ nếu không muốn nói là bất khả thi.

Trước hết quá trình rút lui của chính phủ Trung Quốc khỏi vai trò trung tâm của nền kinh tế đã chậm lại. Trong khi đó các SOE quy mô trung bình đang chứng tỏ sức cạnh tranh lớn hơn so với vài năm trước, họ lớn mạnh hơn cả về tài chính lẫn quy mô.

Ngoài ra, hiện rất nhiều người đang ủng hộ lĩnh vực kinh tế quốc doanh một phần bởi hệ thống này đã giúp Bắc Kinh thêm linh hoạt trước khủng hoảng tài chính. Không ít người cho rằng các SOE giữ một vai trò quan trọng, là công cụ để chính phủ thực hiện các chính sách công nghiệp hóa, giúp phát triển những ngành chiến lược như quốc phòng hay vũ trụ.

Họ đồng thời cũng là những “quán quân quốc gia”, tạo nên những thương hiệu đủ sức thu hút công nghệ, nhân lực và đem về doanh thu từ nước ngoài. Minh chứng rõ nhất đó là số lượng các công ty Trung Quốc trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới của tạp chí Fortune đã tăng từ chỉ 3 công ty năm 2007 lên tới 61 công ty vào năm ngoái. Hơn 2/3 số này là các SOE.

Tuy nhiên những lợi thế mà các SOE tạo ra được đánh đổi bằng cái giá không hề rẻ mà rõ ràng nhất là sự sụt giảm về hiệu quả kinh tế. Trong bài viết của mình trên tạp chí Caixin hồi tháng 6, chuyên gia kinh tế Andy Xie từng chỉ ra rằng các khoản đầu tư cố định của các SOE có chi phí cao hơn các doanh nghiệp tư nhân thường từ 20 – 30% và cần khoảng thời gian dài hơn 50% để hoàn thành.

“Sự thất thoát thông qua việc mua sắm tài sản với giá cao, hoạt động thuê ngoài và bán tài sản giá rẻ đang ở mức khổng lồ”. Và những thất thoát này cuối cùng đều đổ lên vai người dân. những người chỉ được hưởng lãi suất tiết kiệm chừng 3% hoặc thấp hơn do chính sách trần lãi suất của chính phủ. Điều này đã làm giảm khả năng tiêu dùng của họ và dẫn đến hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là “sự trấn áp tài chính”.

Trong khi đó, bằng cách ấn định lãi suất cho vay ở mức 6%, ngân hàng trung ương Trung Quốc lại giúp các ngân hàng thương mại bỏ túi phần chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và cho vay, đồng thời giúp người đi vay (phần lớn là các SOE) được vay vốn với giá rẻ. Các doanh nghiệp tư nhân thì lại ít có khả năng tiếp cận vốn do bị xem là có rủi ro phá sản cao hơn.

Việc có dòng vốn giá rẻ với mức ổn định này đã tạo điều kiện cho các SOE lãng phí đến mức gây sốc. Michael Pettis, một giáo sư tài chính tại Trường quản lý kinh tế, đại học Peking từng lấy mỏ thép Sino mà công ty quốc doanh CITIC Pacific đang phát triển ở miền Tây nước Úc làm ví dụ.

Với quy mô lớn gấp 4 lần các dự án quặng thép trong nước, khu mỏ này dự kiến sẽ cần số vốn khoảng 2,5 tỷ USD vào năm 2006. Thế nhưng hiện tại dự án này đang chậm tiến độ đến 3 năm và số vốn đã đội lên 7,1 tỷ USD. Một số nhà phân tích còn khẳng định tổng mức đầu tư cho dự án này sẽ vượt quá 10 tỷ USD.

Do đó hầu như chắc chắn dự án sẽ không có lãi “trừ khi người Úc đã cực kỳ ngu ngốc đến mức bán thứ gì đó trị giá 10 tỷ USD ở mức giá chỉ 2 tỷ USD”, ông Pettis mỉa mai. “Nếu đó là một tập đoàn của Mỹ, có lẽ bạn đã bị hội đồng quản trị đình chỉ hoặc sa thải. Nhưng chuyện này vẫn cứ tiếp tục diễn ra và nó khiến tôi có suy nghĩ rằng vốn không phải vấn đề. Các SOE luôn có thể vay vốn với lãi suất rất thấp còn việc họ có tạo ra lợi nhuận hay không là chuyện hoàn toàn khác”.

(Còn tiếp)

Thanh Tùng
Theo CER