1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Doanh nghiệp quảng cáo khóc ròng

Hàng loạt doanh nghiệp quảng cáo có nguy cơ đóng cửa nếu Chỉ thị 25 và dự thảo quy hoạch quảng cáo không sớm được xem xét sửa đổi

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Đã 3 tháng từ khi Chỉ thị 25/2014/CT-UBND của UBND TP HCM về tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP HCM và đã gần 2 tháng các doanh nghiệp (DN), Hội Quảng cáo TP HCM kiến nghị sửa đổi một số điểm bất hợp lý trong dự thảo quy hoạch quảng cáo ngoài trời (gọi tắt là dự thảo) trên địa bàn TP giai đoạn 2014-2015, giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2025 của UBND TP HCM nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có phản hồi chính thức khiến DN không “nhúc nhích” gì được.

Kẹt cứng

Theo quy định của Chỉ thị 25 và dự thảo, bảng hiệu của các tổ chức, cơ sở kinh doanh không được kèm logo của DN và thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh. Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một DN quảng cáo cho biết nếu Chỉ thị 25 và những quy định bất hợp lý trong dự thảo không được dỡ bỏ thì trong năm 2015, có đến 70% DN phải đóng cửa vì không làm ăn gì được.

“Lâu nay, các DN lớn đều sử dụng hình thức quảng cáo thông qua việc tài trợ bảng hiệu, trang trí cho cửa hàng, điểm bán. Hầu hết bảng hiệu đều có kèm quảng cáo. Chẳng hạn, bảng hiệu nhà hàng có kèm quảng cáo bia; tiệm tạp hóa kèm quảng cáo cà phê, nước giải khát; tiệm sửa xe kèm quảng cáo dầu nhớt, các hãng xe; tiệm làm tóc, thẩm mỹ kèm quảng cáo mỹ phẩm...

Với quy định hiện tại, không được quảng cáo trên bảng hiệu ở mặt tiền đường, nếu vi phạm sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng. Mỗi điểm dựng bảng hiệu có quảng cáo bị phạt 15 triệu đồng, 10 điểm bị phạt lên đến 150 triệu đồng. Bảng quảng cáo hết hạn chưa dỡ bỏ sẽ bị phạt tối đa 10 triệu đồng trong khi TP HCM tạm thời ngưng gia hạn mới. Nguy cơ bị phạt quá cao nên cả DN khách hàng và DN quảng cáo đều không dám làm” - vị giám đốc này cho biết.

Với quy định hiện tại, những bảng quảng cáo dạng này ở các điểm rửa xe sẽ bị xử phạt Ảnh: Tấn Thạnh
Với quy định hiện tại, những bảng quảng cáo dạng này ở các điểm rửa xe sẽ bị xử phạt Ảnh: Tấn Thạnh

Đầu tháng 10, tại buổi làm việc với hơn 100 DN quảng cáo trên địa bàn, Sở Văn hóa - Thể thao TP cho biết trong khi chờ quy hoạch quảng cáo ngoài trời được chính thức phê duyệt, sở không chấp nhận các hồ sơ thông báo quảng cáo ở vị trí “không đúng quy định pháp luật” hoặc quy hoạch chưa được duyệt.

Những bảng quảng cáo đã có văn bản đồng ý của sở (trước khi Chỉ thị 25 ngày 16-9 được ban hành) sẽ kết thúc quảng cáo theo thời hạn ghi trong văn bản. Bảng quảng cáo tấm lớn được gia hạn không quá 6 tháng cho đến khi UBND TP HCM phê duyệt và công bố quy hoạch quảng cáo ngoài trời...

Các DN đã phản ứng gay gắt và trình bày những khó khăn vướng mắc từ chỉ thị này. Sau đó, Hội Quảng cáo TP HCM có văn bản gửi Thường trực UBND TP HCM kiến nghị bỏ một số quy định không hợp lý với điều kiện thực tế của TP HCM và không phù hợp với Luật Quảng cáo cũng như thông tư hướng dẫn thi hành luật này.

“UBND TP HCM đã có văn bản phản hồi là giao Sở Văn hóa - Thể thao xem xét tháo gỡ vướng mắc cho DN nhưng đến nay đã gần 2 tháng vẫn chưa thấy sở trả lời. Nhiều DN trong hội đang bị ảnh hưởng, rất khó khăn nhưng chỉ biết sốt ruột chờ đợi” - ông Nguyễn Thanh Đảo, Tổng Thư ký Hội Quảng cáo TP HCM, cho biết.

Luật Quảng cáo không cấm

Theo ông Đỗ Kim Dũng - Phó Chủ tịch Hội Quảng cáo TP HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo quảng cáo - về khách quan, việc quy hoạch lại quảng cáo là cần thiết, nhất là tại đô thị lớn như TP HCM. Tuy nhiên, một số quy định trong dự thảo chưa phù hợp với tình hình thực tế và quan trọng là trái với Luật Quảng cáo bởi luật không cấm.

Thay vì cấm quảng cáo trên bảng hiệu, quảng cáo trước mặt tiền nhà thì nên có quy hoạch cụ thể về quảng cáo ở các khu vực công cộng, vỉa hè theo hướng rõ ràng, chặt chẽ hơn để vừa tăng thu ngân sách vừa bảo đảm mỹ quan đô thị.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM, cho biết thời gian qua đã có nhiều DN phản ánh với hiệp hội tình trạng ngưng trệ hoạt động do vướng Chỉ thị 25 và chờ quy hoạch quảng cáo. Hiện các DN nhỏ và vừa trong nước rất cần bảng hiệu quảng cáo trước cửa hàng nhưng với quy định này sẽ rất khó.

DN buôn bán kinh doanh không được đặt bảng quảng cáo phía trước mà yêu cầu phải đặt trong nhà thì làm sao kinh doanh được. Nhiều con đường nhỏ ở quận 1 có lề đường rất nhỏ, nếu theo quy định thì những DN có văn phòng trên những đường này không được đặt bảng quảng cáo?

Cũng theo ông Hưng, hiện các DN nhỏ và vừa không đủ kinh phí mua sóng quảng cáo trên tivi nên rất cần quảng cáo ngoài trời. Nếu dùng quy định thắt chặt điều kiện quảng cáo ngoài trời không những gây khó cho DN ngành quảng cáo mà còn ảnh hưởng đến những DN khác.

Số khu vực được đặt bảng quảng cáo theo như dự thảo còn rất ít, giá sẽ tăng cao, DN nhỏ và vừa không tiếp cận được. “Cuối năm 2015, chúng ta hội nhập cộng đồng ASEAN, cạnh tranh rất nhiều, nếu không tạo điều kiện cho DN trong nước vào thời điểm này chiếm lĩnh vị trí tốt để quảng cáo thì sẽ khó khăn hơn cho các DN” - ông Hưng nhìn nhận.

 

Quá bất hợp lý!

Hội Quảng cáo TP HCM kiến nghị trước khi giải quyết vấn đề nhập nhằng giữa bảng quảng cáo và bảng hiệu trên địa bàn thì cần giải thích cụ thể thế nào là bảng quảng cáo xen lẫn với bảng hiệu cho DN rõ. Ngoài ra, quy định “bảng quảng cáo đặt tại các cửa hàng nhỏ, lẻ không phải thông báo nội dung quảng cáo, DN tự chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo theo quy định. Chỉ được đặt bên trong khu vực kinh doanh, không được treo, gắn bên ngoài và trên mặt tiền nhà” là không đúng với tinh thần của Luật Quảng cáo. Nếu nội dung này được áp dụng sẽ khiến hàng chục ngàn bảng quảng cáo kèm bảng hiệu tại các cửa hàng kinh doanh nhỏ, lẻ bị tháo dỡ gây thiệt hại rất lớn không chỉ cho các cửa hàng kinh doanh mà còn triệt tiêu hàng loạt công ty quảng cáo đang hoạt động.

Bên cạnh đó, Hội Quảng cáo TP HCM cũng kiến nghị bỏ quy định bảng quảng cáo phải đặt cách khuôn viên các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể, lực lượng vũ trang, trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế, di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến, khuôn viên nơi đặt tượng đài, bia tưởng niệm trong bán kính 50 m. Quy định “cấm quảng cáo trong phạm vi từ 100-300 m từ tâm điểm đến các giao lộ, vòng xoay” cũng được cho là không phù hợp.

 

Theo Thanh Nhân
Người Lao động
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm