Doanh nghiệp nhập tơ tằm Trung Quốc giả nhãn mác Việt Nam xuất sang Ấn Độ

An Linh

(Dân trí) - Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) vừa phát hiện một doanh nghiệp nhập tơ tằm Trung Quốc giả nhãn mác Việt Nam xuất đi Ấn Độ. Cơ quan chức đang tập trung làm rõ vụ việc nói trên.

Trong quá trình kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty M., cơ quan của Tổng cục Hải quan đã phát hiện doanh nghiệp này xin cấp 8 C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) Form AI để xuất khẩu tơ tằm sang Ấn Độ có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ, bất hợp pháp. 

Doanh nghiệp nhập tơ tằm Trung Quốc giả nhãn mác Việt Nam xuất sang Ấn Độ - 1

Doanh nghiệp nhập tơ tằm Trung Quốc rồi giả nhãn mác Việt Nam để xuất đi Ấn Độ (Ảnh minh họa)

Xác minh vụ việc, Cục Kiểm tra sau thông quan chứng minh rõ hành vi của doanh nghiệp nhập khẩu tơ tằm loại thành phẩm từ Trung Quốc về cảng Cát Lái (TP.HCM). Sau khi hàng về cảng, doanh nghiệp đưa về kho tại cảng, không đưa về nhà máy của doanh nghiệp (tại địa phương khác). 

Tại kho ở cảng, doanh nghiệp có hành vi thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa Trung Quốc sau đó gắn nhãn mác xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Ấn Độ. 

Cơ quan của Tổng cục Hải quan khẳng định, hành vi này nhằm lẩn tránh thuế và lợi dụng thương hiệu Việt Nam. Hiện, thuế xuất khẩu tơ tằm Trung Quốc sang Ấn Độ chịu thuế suất 25%, trong khi đó cùng mặt hàng này xuất xứ từ Việt Nam đi Ấn Độ chỉ 5%. 

Trong quá trình đấu tranh của Tổng cục Hải quan để làm rõ hành vi vi phạm, doanh nghiệp thừa nhận hành vi vi phạm. Cục Kiểm tra sau thông quan đã xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp 60 triệu đồng và thu nộp ngân sách số tiền thu lợi bất hợp pháp gần 550 triệu đồng. Hiện, doanh nghiệp đã chấp hành nộp đủ số tiền vào ngân sách theo quy định. 

Liên quan đến các vụ việc gian lận nhãn mác mặt hàng quần áo, lụa, tơ tằm, mấy năm gần đây các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện 2 vụ nổi tiếng. Vụ lớn nhất là lụa tơ tằm Khaisilk cắt nhãn mác hàng Trung Quốc, gắn nhãn mác hàng Việt để lừa dối khách hàng. Vụ việc đã đã hủy hoại thương hiệu lớn, từng được coi là hàng lụa hạng sang xuất khẩu đi thế giới. 

Vụ thứ hai cũng liên quan đến cắt các nhãn mác là chuỗi cửa hàng quần áo Seven.AM cũng nhập hàng hóa từ Trung Quốc sau đó gắn nhãn mác của thương hiệu để bán ra thị trường. 

Đây là hai trong số nhiều vụ giả nhãn mác, thương hiệu Việt điển hình thời gian vừa qua bị phát hiện và phanh phui ra công chúng. Ngoài ra còn một số vụ việc đang được cơ quan của Hải quan làm rõ như xe đạp, gỗ ván ghép... có nguy cơ cao nhập thành phẩm về Việt Nam xuất đi nước thứ 3, gây ảnh hưởng đến thương hiệu Việt trên thế giới và nguy cơ khiến Việt Nam trở thành bến đỗ của hàng giả, gian lận thương mại.