Vụ Khaisilk chưa hoàn tất điều tra; “cú đánh úp” khiến loạt đại gia mất hàng trăm tỷ
(Dân trí) - Sau một tuần không nhiều thông tin “nóng” về các đại gia thì kết quả điêu tra vụ Khaisilk lại thu hút sự quan tâm nhất của bạn đọc. Tiếp đó là thông tin về loạt đại gia Việt dính “cú đánh úp” mà mất cả trăm tỷ đồng.
Gần 2 năm Khải Silk mua lụa Trung Quốc giả hàng Việt: "Công an Hà Nội điều tra"
Phát biểu tại buổi họp báo chiều 31/5, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tháng 10/2017 sau khi dư luận phát hiện cửa hàng của hệ thống Khải Silk giả mạo xuất xứ, khăn lụa Trung Quốc thành lụa "Made in Vietnam", Bộ Công Thương đã thành lập kiểm tra liên ngành và mở rộng kiểm tra trên phạm vi toàn quốc, sau đó phát hiện rất nhiều sản phẩm vi phạm tương tự như giả mạo xuất xứ. Bộ Công Thương sau đó đã hoàn thành hồ sơ vi phạm của Khải Silk gửi công an.
Ông Hải cho biết, ngày 30/10/2017, Bộ Công Thương đã chuyển vụ việc này sang công an Hà Nội. Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan công an Hà Nội điều tra theo đúng quy định.
VinSmart của ông Phạm Nhật Vượng sẽ không thua kém Samsung, Oppo?
Phiên giao dịch ngày 31/5, mặc dù giá VIC giảm song với mức giá 115.000 đồng/cổ phiếu, ông Phạm Nhật Vượng vẫn đang sở hữu khối tài sản 214.869 tỷ đồng trên sàn chứng khoán và chưa ai thay thế ông là người giàu nhất Việt Nam cho đến thời điểm này. Theo thống kê của Forbes, giá trị tài sản ròng tại ngày 30/5 của ông Vượng là 7,5 tỷ USD, xếp thứ 239 trong danh sách người giàu thế giới.
Ông Phạm Nhật Vượng
Tờ Financial Times trong một bài viết mới đây cho biết, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đang nhắm tới mục tiêu sản xuất 5 triệu thiết bị cầm tay mỗi năm (riêng nhà máy ở Hải Phòng) tới 2021 nhằm định hình lại thị trường smartphone ở Việt Nam. Tham vọng này được đưa ra sau khi tập đoàn này mới chỉ gia nhập mảng sản xuất điện thoại thông minh vào hồi năm ngoái.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường Việt Nam vẫn đang được chi phối bởi các nhà sản xuất nước ngoài như Apple, Oppo và Samsung, trong đó, thị phần của Samsung chiếm tới phân nửa.
Tuy nhiên tại bài báo này, FT đã dẫn lời Rushabh Doshi - giám đốc phân tích của Canalys, một đơn vị chuyên nghiên cứu về công nghệ điện thoại cho rằng: “Nếu Vingroup muốn đạt được mục tiêu 5 triệu sản phẩm, họ sẽ phải làm được 2 việc: một là tạo được một thương hiệu mạnh và hai là “đánh bại” Samsung và Oppo trên phương diện marketing cũng như xây dựng thương hiệu”.
Bầu Thắng chính thức “nhúng tay” vực dậy “đại gia gỗ” Trường Thành
Phiên giao dịch ngày 29/5, TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành hôm qua ghi nhận phiên tăng gia thứ hai, tăng 0,9% lên 3.480 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, công ty này cũng vừa ra thông báo đã hoàn tất đợt phát hành 96,59 triệu cổ phiếu hoán đổi với 62 cổ đông Công ty CP Sứ Thiên Thanh (chiếm 99,999% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán), tỉ lệ hoán đổi là 8,21 : 1. Theo đó, cổ đông của Sứ Thiên Thanh sẽ nhận lại được 8,21 cổ phiếu TTF cho mỗi một cổ phần Sứ Thiên Thanh.
ự hiện diện của Đồng Tâm Group (doanh nghiệp của bầu Thắng) tại TTF rất rõ nét
Đợt phát hành làm tăng vốn điều lệ của TTF từ 2.146 tỷ đồng lên 3.112 tỷ đồng, qua đó thoát khỏi nguy cơ lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ dẫn đến hủy niêm yết. Lỗ luỹ kế đến cuối năm 2018 của TTF là 2.060 tỷ đồng.
Theo danh sách mà TTF công bố về đợt phát hành này, 62 cổ đông của Sứ Thiên Thanh thực hiện mua cổ phiếu hoán đổi để trở thành cổ đông mới của TTF có tổng sở hữu hơn 31% cổ phần.
Trong đó, đáng chú ý có Công ty TNHH MTV Thương mại Đồng Tâm (nắm 4,9% cổ phần) của bầu Thắng; Công ty TNHH SX – XD – TM Đồng Tâm (năm 4,88% cổ phần) và CTCP Đồng Tâm Dotalia (năm 4,88% cổ phần). Ba tổ chức này đều thuộc Đồng Tâm Group (doanh nghiệp của ông bầu Võ Quốc Thắng - “bầu Thắng).
Được biết, Sứ Thiên Thanh có vốn điều lệ 118 tỷ đồng, Đồng Tâm Group đang sở hữu khoảng 47% vốn. Và sau thương vụ này sẽ chấm dứt sự tồn tại của Sứ Thiên Thanh.
Theo quy đổi, tỷ lệ sở hữu của Đồng Tâm Group tại TTF sau đợt phát hành đạt gần 14,6%, qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn trong khi một số cổ đông hiện hữu của TTF lại giảm sở hữu như Công ty CP Xây dựng U&I giảm tỉ lệ nắm giữ còn 9,3%; Pyn Elite Fund mất quyền cổ đông lớn, chỉ còn năm 3,6% cổ phần TTF.
Cú “đánh úp” bất ngờ, loạt nữ đại gia bị mất tiền tỷ
Phiên giao dịch chiều cuối tuần, thị trường chứng kiến tình trạng lao dốc của các chỉ số chính trong bối cảnh áp lực bán ra mạnh còn lực cầu thì quá yếu.
Với phiên giao dịch này, “nữ hoàng thuỷ sản” Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Vĩnh Hoàn bị mất suýt soát 100 tỷ đồng; vợ chồng bà Chu Thị Bình - chủ thương hiệu Minh Phú mất hơn 43 tỷ đồng và giá trị tài sản trên sàn của bà chủ PNJ - Cao Thị Ngọc Dung cũng bị giảm gần 47 tỷ đồng.
Tổng kết lại một tuần vừa qua, BVSC nhận xét, thị trường đã có tuần giao dịch kém tích cực với chỉ 1 phiên tăng và 4 phiên giảm liên tiếp đến cuối tuần. Kết thúc tuần, chỉ số VN-Index giảm 10,15 điểm tương đương 1,05% về mức 959,88 điểm. Trên sàn HNX, chỉ số HnxIndex đóng cửa tuần ở mức 104,35 điểm, giảm 1,05 điểm tương đương 0,99% so với cuối tuần trước.
Các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index tuần qua là VHM, GAS và BID khi lấy đi của chỉ số lần lượt 2,50, 1,26 và 1,02 điểm.
Thế Hưng