Doanh nghiệp ngoại ở Trung Quốc không dễ "chạy" sang Việt Nam
(Dân trí) - Trung Quốc có thị trường tiêu thụ với hơn 1 tỷ dân, có nguồn lao động dồi dào với trình độ năng suất cao và cũng là công xưởng của thế giới. Vì vậy, không dễ gì mà vốn FDI chuyển dịch từ Trung Quốc sang nước ta khi lao động Việt Nam giá rẻ nhưng năng suất thấp, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển.
Tại tọa đàm "Kinh tế Việt Nam 2016-2018 và dự báo tăng trưởng 2019-2020", ngày 12/12, tại Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá trên.
Nói về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cho rằng, hệ quả chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đang đi ngược với dự đoán xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm xuống.
Thời điểm tháng 8 năm nay nhiều người cho rằng đơn hàng từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm nhưng cuối tháng 9 và 10/2018, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn tăng.
Đánh giá tác động của chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với dòng chuyển dịch đầu tư, ông Thắng dẫn thông tin từ Hãng tin Bloomberg mới đây cho biết, 1/3 doanh nghiệp tại Trung Quốc dự tính sẽ chuyển khỏi Trung Quốc nhưng không dễ dàng, bởi sức hấp dẫn của thị trường hơn một tỷ dân là rất lớn. Do vậy, từ bỏ một thị trường lớn là điều không hề dễ dàng. Hơn nữa, Trung Quốc là cơ sở sản xuất toàn cầu nên rời bỏ Trung Quốc, các nhà đầu tư sẽ phải tính đến tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc, Việt Nam sẽ là lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng hiện nay lao động Việt Nam giá rẻ nhưng đi liền là năng suất thấp, nên không phải cứ rẻ mà hấp dẫn hơn Trung Quốc. Ngược lại, mặc dù lương công nhân Trung Quốc cao nhưng năng suất của họ hơn Việt Nam.
Bên cạnh đó, chi phí dịch chuyển cao trong khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc vẫn còn rẻ. Một phép so sánh cho thấy, một doanh nghiệp gạch ốp lát của Trung Quốc phải chịu tăng thuế từ 10-15% khi Mỹ áp thuế lên hàng Trung Quốc nhưng nếu chuyển sang Việt Nam, phí sản xuất có thể tăng 25-30%.
"Thực tế đã chứng minh FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam không nhiều và không đáng kể. Chiến tranh thương mại không giúp chuyển quá nhiều FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam", ông Thắng đánh giá.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện cả Mỹ và Trung Quốc đang công khai xung đột thương mại với nhau nhưng tất cả cũng chỉ đến giới hạn nào đó, bởi họ vẫn là thị trường của nhau. Khi Trung Quốc và Mỹ "bắt tay" nhau, sẽ có thị trường khác để họ hy sinh và điều đó sẽ là các nước như Việt Nam.
"Cả Mỹ và Trung Quốc đều là thị trường lớn và ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam, tuy nhiên về lâu dài và dễ tác động hơn là kinh tế Trung Quốc. Chúng ta cần xem xét và vạch đường hướng để đối phó với những diễn biến mới", bà Lan nói.
Còn nhớ tại Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản diễn ra hồi tháng 11 năm nay, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI) đã chia sẻ khi chiến tranh thương mại xảy ra, nhiều người xem đây là cơ hội để Việt Nam thu hút dòng vốn FDI, trong đó có dòng đầu tư từ Nhật Bản nhưng số liệu thực tế không như kỳ vọng.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2018, đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc tăng 14,4%, trong khi năm 2017 tăng 2,4%. Điều này cho thấy đầu tư của Nhật vào Trung Quốc không hề giảm, tăng gấp 6-7 lần so với năm 2017.
Cùng thời gian này, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam chỉ tăng 8,2%, trong khi đó năm 2017 tăng 19,7%. Tốc độ tăng trưởng giảm xuống hơn một nửa so với năm 2017. "Chúng ta vẫn nói cơ hội của Việt Nam lớn nhưng thực tế không cho thấy như vậy", bà Trang đặt vấn đề.
An Linh