Việt Nam đã vượt lên Trung Quốc, vào top đầu thế giới về tính hấp dẫn đầu tư

(Dân trí) - Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam đã làm được nhiều việc trong cải thiện môi trường kinh doanh, theo khảo sát ý kiến DN, VN đã trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn vượt lên cả Trung Quốc. Nhưng tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa lot top 5 ASEAN và ở cuối bảng các nước CTTPP.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF là hoạt động thường niên, diễn ra định kỳ 2 lần/năm.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF là hoạt động thường niên, diễn ra định kỳ 2 lần/năm.

"Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn"

Sáng 4/11, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2018 với chủ đề: "Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu" được tổ chức với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều quan chức cấp cao và đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều thách thức như: sức ép lạm phát, chất lượng tăng trưởng tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu, năng suất lao động còn thấp, nguy cơ tụt hậu cũng như biến đổi khí hậu...

"Để vượt qua những thách thức này, Việt Nam cần phải đổi mới, cải cách toàn diện và theo đuổi chính sách phát triển bền vững. Việt Nam cũng cần phát triển đồng bộ thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản, cơ cấu lại nền kinh tế, nghiên cứu ứng phó đối với sự biến đổi bất ổn của thương mại thế giới", ông Dũng nói .

Nói về tính bất ổn trong thương mại toàn cầu, ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc quốc gia cấp cao khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính quốc tế cho rằng, thách thức cần phải chuyển hóa thành cơ hội. Theo đó, các quốc gia cần tiến dần đến việc tăng cường hợp tác hơn nữa.

"Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ mở ra một cách cửa quan trọng. Cánh cửa này không chỉ là cơ hội giao thương, kết nối mà còn là chất xúc tác để nền kinh tế 90 triệu dân cải cách", ông Kyle nói và nhấn mạnh rằng Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn.

Dù vậy, ông cũng đặt vấn đề về hành động tiếp theo của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thu hút dòng vốn FDI không chỉ về số lượng mà còn cả chất lượng. Giải pháp được ông nhắc đến bao gồm việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng lao động, chuỗi cung ứng liên kết, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh và cả hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Việt Nam hiện đại đang hướng tới sự thịnh vượng. Đây sẽ là giai đoạn tiếp theo của đất nước này", ông nói.

Còn theo ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch VBF, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm để hướng tới phát triển nhanh và bền vững, trong đó, cần tập trung nguồn lực cho cơ sở hạ tầng.

"Chính phủ cần đầu tư mạnh hơn vào cơ sở hạ tầng bởi các nhà đầu tư hiện có sự quan tâm rất lớn tới vấn đề này. Chúng ta cần tìm cách mở thị trường để có các khoản đầu tư phù hợp hơn cho hạ tầng. Ngoài ra còn cả năng lượng mới, logistic", ông nói.

Chuyển động ấn tượng nhưng chưa đạt kỳ vọng

Trong bài viết nhân sự kiện lần này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, năm 2018 Việt Nam năm đã ghi nhận những chuyển biến rất tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Trước đó, trao đổi với báo chí, ông còn cho biết, năm 2019, Việt Nam được xem là một địa điểm hấp dẫn đầu tư hàng đầu trên thế giới, lần đầu tiên vượt Trung Quốc và nhiều nước khác.

"Đa số các doanh nghiệp theo khảo sát của VCCI gần nhất đều cảm nhận rõ điều này. Nhưng những chuyển động dù rất ấn tượng nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Đáng chú ý, mức độ chuyển biến không đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa các lĩnh vực và địa phương", ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực, đa số các bộ ngành hoàn thành vượt yêu cầu cắt giảm và đơn giản hoá tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh tính đến 31/10 vừa rồi. Tuy nhiên kết quả khảo sát vẫn cho thấy, vẫn có 58% doanh nghiệp đang phải xin các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện và 42% doanh nghiệp trong số đó cho biết họ gặp khó khăn khi xin phép.

Việc cải cách kiểm tra chuyên ngành có tiến bộ nhưng tính đến tháng 9/2018 mới chỉ có 68 thủ tục kiểm tra chuyên ngành có thể thực hiện được trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và cũng mới có một thủ tục (khai báo hoá chất) là thực hiện điện tử hoàn toàn, các thủ tục khác vẫn nộp thêm bản giấy.

Công tác thanh, kiểm tra có chuyển biến tích cực, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần giảm từ 48% xuống 40%, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh kiểm tra từ 24% giảm còn 14% chỉ sau một năm. Điều này cho thấy Chỉ thị 20 chấn chỉnh công tác thanh tra kiểm tra mà Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5 năm 2017 đã phát huy tác dụng.

Dẫn báo cáo Doing Business 2019 về môi trường kinh doanh mà WB công bố vừa rồi, ông Lộc cho hay, Việt Nam dù tăng so với chính mình nhưng mức độ thay đổi này vẫn còn chậm so với các quốc gia khác. Thậm chí, nếu so sánh trong khu vực ASEAN thì Việt Nam vẫn chưa lọt được vào top 4 nước đứng đầu. Với vị trí 69, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 15) hay Thái Lan (thứ 27).

Đặc biệt nếu so sánh với 10 quốc gia khác trong Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì Việt Nam là quốc gia đứng cuối cùng, sau cả Peru hay Chilê. Và đáng lưu ý, điểm số và thứ hạng của 10 chỉ số thành phần của Doing Bussiness năm nay thì chỉ có 4 lĩnh vực tăng thứ hạng, 5 lĩnh vực tăng điểm số. Như vậy, để thứ hạng Việt Nam tăng mạnh mẽ hơn nữa thì cần có sự chuyển động đồng đều và mạnh mẽ của tất cả các ngànhvà lĩnh vực.

"Như vậy, chúng ta đã thấy có rất nhiều sự cải thiện, tuy vậy không gian cải cách vẫn còn rất lớn. Việt Nam đã làm được nhiều việc trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng tốc độ thay đổi vẫn chưa đạt yêu cầu. Chính vì vậy, Việt Nam cần mạnh mẽ hơn nữa trong ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các ngành, các lĩnh vực", ông nhấn mạnh.

Ông Lộc cũng cho hay, vừa rồi, Việt Nam có thêm một tin vui, theo khảo sát của PWC được tiến hành với 1.200 CEO hàng đầu trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam năm thứ 2 liên tiếp vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có triển vọng thu hút FDI nhiều nhất thế giới.

"Có thể nói một trong những lý do quan trọng để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu là niềm tin, sức sống từ các FTA. Theo kết quả khảo sát của PWC, 34-40% các doanh nghiệp cho rằng doanh thu sẽ tăng do FTA. Như vậy, bên cạnh cải cách thể chế thì mở cửa và tham gia FTA là điều kiện quan trọng để nhà đầu tư tin tưởng vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam", ông Lộc nhấn mạnh.

Phương Dung

Việt Nam đã vượt lên Trung Quốc, vào top đầu thế giới về tính hấp dẫn đầu tư - 2