Doanh nghiệp máy móc thế giới hứng thú với thị trường Việt Nam

(Dân trí) - Công nghiệp 4.0, nền tảng IoT, robot, kết hợp với dây chuyền sản xuất thông minh, công nghệ xử lý bề mặt mới… là những công cụ mới, giúp doanh nghiệp (DN) sản xuất nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm lãng phí tài nguyên và tối ưu hóa toàn bộ chuỗi giá trị.

Doanh nghiệp máy móc thế giới hứng thú với thị trường Việt Nam - 1
Triển lãm VietnamWood hội tụ của hàng trăm thương hiệu nổi tiếng trong giới máy móc quốc tế.

Đón làn sóng công nghệ mới

“Chưa bao giờ, các thương hiệu máy móc quốc tế lại hứng thú với thị trường Việt Nam nhiều như hiện nay”, ông Steven Chen, Quản lý dự án của Yorker, đơn vị hàng đầu trong việc tổ chức hội chợ triển lãm thương mại tại khu vực ASEAN và Nam Á trong hơn 30 năm qua, có trụ sở tại Hong Kong, nhận xét như vậy khi được hỏi về tiềm năng tiêu thụ máy móc của thị trường Việt Nam.

Theo ông Steven, Việt Nam có nền công nghiệp sản xuất phát triển mạnh và là điểm đến tốt nhất khu vực Châu Á trước làn sóng những dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Nhân công vẫn được xem là rẻ hơn các nước trong khu vực, dòng vốn FDI đang tăng nhanh khiến nhu cầu đổi mới, trang bị thêm các thiết bị và máy móc của DN Việt Nam trở nên cần thiết ở các ngành chế biến gỗ, dệt may, nhựa, cao su, chế biến thực phẩm và đóng gói…

“Cùng với sự tăng trưởng tại thị trường Mỹ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Những chính sách mới về thuế quan sẽ giúp tăng các đơn hàng cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Vì điều này mà Việt Nam đang là một thị trường có tiềm năng lớn cho các loại máy móc và thiết bị, đặc biệt là máy chế biến gỗ”, ông Steven nói.

Theo chuyên gia đến từ Hong Kong này, nguyên nhân là vì chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu đồ gỗ của thế giới. Cộng thêm sự tăng trưởng ấn tượng, bền vững về doanh số xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản trong nhiều năm qua và đặc biệt là từ ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung khiến nhu cầu máy chế biến gỗ ở Việt Nam tăng mạnh.

Đón đầu làn sóng trang bị công nghệ của DN gỗ Việt Nam, tại VietnamWood 2019, diễn ra từ ngày 18 đến ngày 21/9 tại Trung tâm triển lãm SECC TP.HCM, thị trường chứng kiến sự hội tụ của hàng trăm thương hiệu nổi tiếng trong giới máy móc quốc tế. Có thể kể đến Homag, Weinig, Siempelkamp, SCM, Paolino Bacci, Nanxing, New Mas, Leadermac, Baillie, Northwest Hardwoods, Ducerf, Eurochene… đến từ Ý, Đức, Áo, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Mỹ...

Tổng số, có đến 483 đơn vị và thương hiệu từ 30 quốc gia và khu vực đến trưng bày triển lãm này. Sự tham gia đông đảo của các thương hiệu máy chế biến gỗ quốc tế, khi tổng hợp lại sẽ tạo ra bức tranh chung về nền tảng kinh doanh tối ưu nhất cho các nhà sản xuất gỗ và nội ngoại thất, đối tượng đang nỗ lực tìm kiếm sản phẩm và công nghệ chất lượng cao để giải bài toán năng suất, nâng cao chất lượng và quản lý nguồn nhân lực hiệu quả.

Doanh nghiệp máy móc thế giới hứng thú với thị trường Việt Nam - 2
Nhu cầu đổi mới, trang bị thêm các thiết bị và máy móc của DN Việt Nam đang tăng cao

Tối ưu hoá bài toán đầu tư

Đánh giá về sự đổ bộ của các thương hiệu máy móc quốc tế, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Công Ty TNHH Đại Hữu, đơn vị chuyên nhập khẩu và phân phối máy móc cho biết, nhu cầu trang bị công nghệ của các DN Việt Nam đã diễn ra trước đó và mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây. “Hiện tại, đòi hỏi lớn nhất của DN hiện nay là cải tiến năng suất, tự động hoá cũng như tổ chức hệ thống dây chuyền tự động xuyên suốt quy trình sản xuất”, ông Thanh chia sẻ. Tuy nhiên, cái khó của DN hiện nay là phải tính toán được sự hoà hợp giữa các thiết bị cũ và mới cũng như sắp xếp được quy trình. Đến nay, các đơn vị phân phối tại Việt Nam cũng đã bắt đầu kết hợp với DN sản xuất máy, trong tương lai Đại Hữu sẽ sớm cung cấp thêm dịch vụ tư vấn, thiết kế toàn bộ các chuyền máy cho DN.

Điều đáng mừng là không chỉ phục vụ cho việc đáp ứng đơn hàng đang đổ về ngày càng nhiều, DN Việt Nam đang tư duy theo hướng đón đầu để tối ưu hoá bài toán đầu tư. Ví dụ, nếu EVFTA mở ra cơ hội cho DN tham gia rộng hơn cửa thị trường Châu Âu, đây là thị trường có thế mạnh sản xuất các sản phẩm dòng ván công nghiệp. Để đón nhận đơn hàng từ Châu Âu, DN Việt nghiên cứu lợi thế lao động, đơn hàng có số lượng hạn chế, dòng hàng kết hợp đa vật liệu, làm hàng theo thiết kế của dự án, hàng ghép container nhiều loại, sản phẩm có tính linh hoạt về mặt thiết kế, dịch vụ thiết kế kỹ thuật tốt,... Nghĩa là, bên cạnh cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, DN đã chủ động cập nhật nắm bắt thông tin thị trường và có định hướng đầu tư sản xuất và dịch vụ để đón nhận cơ hội.

Đánh giá cao sự chủ động của các DN trong việc trang bị công nghệ mới, Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, máy móc sẽ là nguồn lực hỗ trợ nội lực DN cực lớn, nâng cao tỉ lệ tự động hóa ở các DN Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này, DN cần phải chuyên môn hóa chủng loại hàng hóa sản xuất với nguồn hàng lớn và đều đặn.

Để chuyên môn hóa tốt DN cần tìm hiểu sâu các bước nghiên cứu thị trường, marketing, nghiên cứu và phát triển (R&D), bán hàng, chọn quy trình mô hình sản xuất… “Đã có cái nhìn tổng thể, DN sẽ định hướng dòng hàng phù hợp với nguồn lực của mình. Khi đó mới đầu tư vật chất nhà xưởng cũng như chọn mua máy móc thiết bị và tự động hóa dây chuyền sản xuất. Cách làm này sẽ giúp DN tối ưu hoá được bài toán đầu tư”, ông Phương nói.

Ngọc Phương