Doanh nghiệp lo "mắc kẹt" sau "lệnh" tạm dừng xuất khẩu gạo

(Dân trí) - “Phía hải quan yêu cầu tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng các loại gạo xuất khẩu từ 00h00 ngày 24/3”, một doanh nghiệp nói và cho biết họ lo ngại các lô hàng đã ký kết bị "mắc kẹt".

Doanh nghiệp lo mắc kẹt sau lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo - 1
Hình minh hoạ.

Trao đổi với Dân trí chiều 24/3, Tổng giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cho biết doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin yêu cầu dừng thông quan xuất khẩu gạo từ phía cơ quan hải quan.

“Phía Tổng cục Hải quan yêu cầu tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng các loại gạo xuất khẩu từ 00h00 ngày 24/3”, ông Sơn cho biết một số lô hàng của doanh nghiệp “mắc kẹt" vì phía hải quan nói dừng làm thủ tục.

Theo quan điểm của ông Sơn, doanh nghiệp đồng tình việc hạn chế xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 và nạn hạn hán để đảm bảo an ninh lương thực.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, chỉ nên dừng các lô hàng ký kết sau thời điểm ngày 24/3, còn những hợp đồng đã ký kết trước phải giải quyết cho doanh nghiệp để tránh gây thiệt hại về vi phạm hợp đồng, chi phí phát sinh...

“Đã ký hợp đồng rồi, khách hàng chuyển tiền rồi, gạo không xuất được là doanh nghiệp khổ”, ông Sơn nói.

Theo chia sẻ từ phía ông Sơn, nhu cầu nhập khẩu gạo từ 1 tháng gần đây tăng mạnh ở nhiều thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Nhu cầu nhập gạo của họ rất lớn trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, chuyên gia nông sản Nguyễn Đình Bích lại có cái nhìn lạc quan hơn. Theo đó, ông cho rằng, dù bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn nhưng tính đến thời điểm này sản lượng vẫn đảm bảo. Chưa cần phải quá lo lắng về an ninh lương thực.

Về phía Hiệp hội lương thực Việt Nam, cơ quan này cho biết thị trường gạo Việt Nam đang “nóng" lên.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, với kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ.

Riêng tại thị trường Trung Quốc, sau 2 năm trầm lắng, xuất khẩu gạo sang thị trường này 2 tháng đầu năm 2020 đột nhiên tăng tới 595% về lượng và 724% về kim ngạch.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng liên tục tăng cao, như gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30 - 40 USD/tấn, đạt 380 USD/tấn, cao nhất từ tháng 12/2018 đến nay.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhiều ngành hàng đang gặp khó khăn thì xuất khẩu gạo đã trở thành điểm sáng tăng trưởng.  Trước đó, năm 2019, ngành gạo đã có một năm sụt giảm.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam là do chúng ta đã đa dạng thị trường, không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nào...

Nguyễn Mạnh