Doanh nghiệp FDI ô tô góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động tại Việt Nam

(Dân trí) - Để giải quyết bài toán chất lượng lao động của doanh nghiệp FDI, nhiều chuyên gia đánh giá giải pháp gắn kết doanh nghiệp với cơ sở đào tạo rất quan trọng. Trong khi đó những tín hiệu tích cực từ công tác đào tạo đã được ghi nhận tại doanh nghiệp FDI sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Gắn kết doanh nghiệp với cơ sở đào tạo

Tại hội thảo chuyên đề “Lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Thực trạng và giải pháp” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng tổ chức tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, Việt Nam xác định trọng tâm là phải thu hút những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và nhất là chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.

Giải pháp được đưa ra cho vấn đề trên là thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo đặc biệt trong việc hợp tác thiết kế các nội dung chương trình đào tạo và đào tạo nội bộ tại doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp FDI với lợi thế về công nghệ cao, thị trường, kinh nghiệm quản lý tiên tiến sẽ cải thiện nguồn nhân lực cho Việt Nam. Thông qua các chương trình đào tạo, học viên, sinh viên được giáo dục, đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, từng bước tiếp cận với thực tế công việc đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng. Doanh nghiệp thay vì mất thời gian 1-2 năm dạy lại nghề, việc đào tạo tại nguồn giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và lựa chọn lao động tinh nhuệ bắt đầu ngay công việc.

Những cánh chim đầu đàn

Gần đây, nhiều mô hình hợp tác ứng dụng hệ thống đào tạo đại học song hành trong chương trình giảng dạy cho sinh viên giữa các trường đại học và doanh nghiệp được đánh giá cao. Tại doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô, câu chuyện Toyota Việt Nam với hàng loạt các chương trình đào tạo thực tế, hữu ích đã không còn xa lạ với học viên, sinh viên kĩ thuật và đã lan rộng ra toàn xã hội.

Có thể kể đến Chương trình Hỗ trợ Đào tạo Kỹ thuật Toyota (T-TEP) từ năm 2000 với mục tiêu hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng đào tạo kỹ thuật, dạy nghề chuyên ngành ô tô như Đại học sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp Hà Nội, …nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, kỹ thuật viên lành nghề, các học viên có cơ hội được tuyển dụng vào làm việc tại hệ thống đại lý của Toyota Việt Nam, cũng như đóng góp vào nguồn nhân lực dồi dào cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Đến nay, 7 trung tâm đào tạo T-TEP tại 7 trường Đại học và Cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật trên cả nước đã đào tạo thành công khoảng 2.750 sinh viên, trong đó, trên 620 sinh viên đã được tuyển dụng vào làm việc tại hệ thống Đại lý của Toyota Việt Nam. Tổng số tiền hỗ trợ cho chương trình đã lên tới gần 01 triệu đô la Mỹ và 08 chiếc ô tô đã được trao tặng phục vụ cho công tác đào tạo và giảng dạy.

Hay chương trình Monozukuri hợp tác với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội triển khai từ năm 2005 hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp Việt nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, cũng như sinh viên kỹ thuật có cơ hội tiếp cận và hiểu sâu hơn về Hệ thống sản xuất (TPS) và những bí quyết thành công của Toyota.

Tính đến nay, chương trình đã tổ chức thành công 47 khóa đào tạo cho 368 học viên đến từ hơn 129 doanh nghiệp, sinh viên và thực hiện thành công mô hình Cải tiến thí điểm cho 05 doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp ứng dụng thành công TPS vào sản xuất và đạt được tiến bộ đáng kể trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh như giảm thời gian sản xuất, giảm nhân lực dư thừa tại công đoạn, giảm lượng tồn kho trên dây chuyền, giảm tỷ lệ phế phẩm và năng suất tăng lên.

Điển hình như công ty cổ phần Woodsland, sau cải tiến đã giảm được 57% lượng nhân công dư thừa tại một công đoạn thí điểm, loại bỏ 03 công đoạn thừa không tạo ra giá trị gia tăng thông qua biện pháp xây dựng công việc tiêu chuẩn, cân bằng lại dây chuyền, và thực hiện ý tưởng cải tiến đưa thiết bị hỗ trợ vào sản xuất.

Doanh nghiệp FDI ô tô góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động tại Việt Nam - 1

Doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu về hệ thống sản xuất của Toyota Việt Nam

Bên cạnh các hoạt động đóng góp về phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, Toyota còn chú trọng tới hoạt động đào tạo phát triển nhân sự nội bộ và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển lâu dài tại Việt Nam. Trung tâm Đào tạo Sản xuất của Toyota Việt Nam theo tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu được đưa vào hoạt động từ năm 2008, đưa Toyota trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô có Trung tâm đào tạo sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế hàng đầu tại Việt Nam.

Tất cả giảng viên đều là những chuyên gia đã được đào tạo, đánh giá và kiểm tra khắt khe và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn của Toyota khu vực. Đồng thời cơ sở vật chất, thiết bị cũng phải trải qua đánh giá nghiêm ngặt của tập đoàn mới được đưa vào vận hành phục vụ công tác đào tạo. Tại đây, Trung tâm không những đào tạo những kỹ năng cơ bản cho người lao động trước khi bắt tay vào công việc thực tế mà còn liên tục đào tạo nâng cao kỹ năng mềm, chất lượng tay nghề người lao động và cấp quản lý để bắt kịp với xu thế phát triển công nghệ đang thay đổi từng ngày. Hệ thống đào tạo bài bản, quy củ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của Toyota Việt Nam vừa đảm bảo đạt được kết quả cao nhất trong công việc, vừa xây dựng được một đội ngũ nhân sự mạnh. Nhờ đó, nguồn nhân lực được củng cố vững chắc, tạo tiền đề cho công ty ổn định và phát triển lâu bền.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, chương trình hỗ trợ từ các doanh nghiệp hay đào tạo nội tại doanh nghiệp như trên sẽ giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp này đã chủ động tạo ra nguồn lực chất lượng cho chính doanh nghiệp mình và góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động trong nước từ nhóm ngành có năng suất lao động thấp sang nhóm ngành có năng suất lao động cao hơn.

Quỳnh Anh