1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Dự kiến tăng lương tối thiểu từ 1/10:

Doanh nghiệp chịu sức ép lớn

Theo lộ trình tăng lương tối thiểu từ 1/10 tới, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh từ 350.000 đồng/tháng lên 450.000 đồng/tháng. Trong khi DN đang phải tìm mọi cách tiết giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh, thì việc phải chi thêm lương đang là một khó khăn không dễ vượt qua.

Chỉ còn nước “đóng cửa”?

 

Bà Đặng Phương Dung - Giám đốc điều hành Tổng công ty Dệt may VN (Vinatex) phàn nàn: Chỉ trong vòng 2 năm, 3 lần tăng lương tối thiểu (kể cả dự kiến tăng lương tối thiểu từ 1/10/2006) thì mức tăng đã vượt gấp 2 lần so với lương tối thiểu năm 2004 (210.000 đồng/tháng), trong khi năng suất lao động tăng thấp chưa tới 10%/năm.

 

Tuy nhiên, bài toán được đặt ra là mức tăng lương tối thiểu chỉ được lấy làm căn cứ để DN trả bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động, còn trên thực tế, DN đã trả lương cho người lao động cao hơn lương tối thiểu rất nhiều.

 

“Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu sẽ dẫn đến một kết cục là gần như cào bằng, người làm tốt, làm không tốt đều sẽ được hưởng mức lương như nhau”.

 

Vì sao có điều này? Theo bà Đặng Phương Dung, hiện nay, công ty trả lương cho người lao động theo sản phẩm và năng suất lao động họ làm ra, có dành một phần quỹ để trả thưởng.

 

Khi lương tối thiểu tăng, DN sẽ dành toàn bộ quỹ lương để trả lương, không có phần trả thưởng, vì vậy người làm tốt, năng suất cao sẽ không được trả lương chênh lệch đáng kể so với người làm chưa tốt, trong khi những người này đương nhiên vẫn được hưởng mức lương tối thiểu (LTT).

 

Bên cạnh đó, do đặc thù của ngành may là rất thiếu nhân công, để đào tạo một thợ có tay nghề phải qua rất nhiều khâu, với hệ số lương tối thiểu là 1,67. Hệ số này nhân với 450.000 đồng/tháng cộng với các khoản chi trả bảo hiểm cho một lao động trong giai đoạn tập sự. Gánh nặng chi trả này - theo bà Dung - là đang dồn doanh nghiệp tới chỗ “đóng cửa” mà không biết kêu ai.

 

Đồng quan điểm với bà Dung, ông Phạm Bùi Pha - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN - khẳng định:  Từ nay đến cuối năm, khả năng tăng lương cho khoảng 10 vạn lao động ngành than là rất khó khăn.

 

Ông Pha cho biết, nguồn trả lương trong khu vực doanh nghiệp phụ thuộc vào giá bán, nhưng giá bán than tập đoàn đã nhiều lần kiến nghị nhưng không được Nhà nước cho phép điều chỉnh. Giá than bán cho các hộ tiêu thụ nội địa hiện còn thấp hơn giá thành sản xuất than.

 

Trong khi đó, chịu sự điều chỉnh của mức LTT từ 1/10, theo tính toán, DN sẽ chi tới 17% mức tăng lương cho chi phí bảo hiểm xã hội và bản thân người lao động cũng phải chi tăng thêm 5% phí bảo hiểm các loại.

 

Tiết kiệm chi phí: “Kịch đường tàu”

 

Vẫn theo ông Phạm Bùi Pha, cứ mỗi lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu, DN đều được khuyến cáo là phải tiết giảm tối đa chi phí, song đó chỉ là nguyên tắc.

 

Bản thân DN cũng coi giảm chi phí là yêu cầu sống còn và đã giảm rồi. Thậm chí nhiều DN đã “kịch đường tàu” không thể giảm thêm nữa. Chi phí đầu vào cứ tăng vùn vụt, trong khi giá bán đầu ra không được phép tăng, là cái khó.

 

Đại diện của ngành cơ khí - ông Lâm Chí Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM), lo lắng: “Đã vậy, đối với các DN nhà nước còn phải đảm bảo các chỉ tiêu giá trị sản xuất CN, doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước”.

 

Trong số các DNNN thuộc VEAM, theo ông Quang hiện có tới 1/2 số DN “nhìn thấy” là khó khăn chồng chất, một số DN khác do vừa chuyển đổi sang công ty cổ phần những năm đầu được ưu đãi giảm các loại thuế và siết chặt quản lý thì còn khá, các DN còn lại hầu như chưa có sự bứt phá, giờ lại tăng chi phí tiền lương thì không gánh nổi.

 

Nói về mức độ chi trả theo lương mới của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Khánh Long - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - đưa ra nhận xét: Mặc dù chưa có một báo cáo đầy đủ về tác động của việc tăng lương đối với việc DN và mặc dù đã có lộ trình tăng lương, song sức ép đối với các DN là khó tránh khỏi, nhất là khi thời điểm hội nhập WTO không còn bao xa.

 

Theo Hồng Quân

Báo Lao động