1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đại biểu: Dân không có nhu cầu vàng, có thể là do nhóm đầu cơ lũng đoạn

Trần Kháng

(Dân trí) - Đại biểu cho rằng, với thị trường vàng, chúng ta thấy rõ đây không phải nhu cầu thực tế của người dân mà có thể do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi.

Sáng nay (23/5), Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024. Đa số đại biểu Quốc hội ghi nhận các kết quả tích cực về kinh tế - xã hội theo báo cáo của Chính phủ.

Chúng ta là nước có tăng trưởng kinh tế khá

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, tình hình kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới trong thời gian vừa qua là không thuận lợi, thậm chí là bất lợi cho những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế nước ta vẫn đạt được những tăng trưởng khá trong những năm vừa qua và những tháng đầu năm nay.

Ông Ngân dẫn chứng, trong báo cáo năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05%, mặc dù thấp so với năm 2022 (8,12%), nhưng năm 2021 chỉ có tăng trưởng 2,6%. Bình quân 3 năm, kinh tế chỉ tăng trưởng 5,22%.

"Điều này cho thấy, chúng ta là nước có tăng trưởng khá. Nhưng so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc (tăng trưởng 6,5-7%) thì đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn", ông Ngân nhấn mạnh.

Đại biểu: Dân không có nhu cầu vàng, có thể là do nhóm đầu cơ lũng đoạn - 1

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu trong thảo luận tại tổ sáng 23/5 (Ảnh: Trần Kháng).

Ngoài ra, theo ông Ngân, bên cạnh tăng trưởng kinh tế, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, nhưng đã có chỉ số cảnh báo cần phải quan tâm. Cụ thể những tháng đầu năm, tỷ giá những tháng đầu năm tăng trở lại, lạm phát cao hơn so với bình quân các năm khác.

Về bội chi ngân sách kéo giảm, thu ngân sách Nhà nước năm 2023 đạt trên 1,754 triệu tỷ đồng, tăng theo dự toán 8,2%, nhưng thấp hơn năm 2022 là 1,7%. Nguyên nhân tại sao, tăng trưởng kinh tế 5,05% mà thu ngân sách lại thấp hơn?

Lý giải điều này, ông Ngân cho biết, một trong những nguyên nhân kéo giảm thu ngân sách là tình hình xuất nhập khẩu. Bởi hoạt động thương mại trong năm 2023 của nước ta bị ảnh hưởng rất lớn, cho nên xuất nhập khẩu trong năm 2023 giảm thu so với năm 2022.

Cụ thể, theo ông Ngân, có 3 mặt hàng chính chịu thuế cao nhưng lại giảm nhập khẩu như: ô tô (giảm nhập khẩu khiến nguồn thu thuế giảm); máy móc thiết bị (tình hình doanh nghiệp khó khăn); sắt thép (đầu tư xây dựng đang giảm).

Người dân không có nhu cầu vàng, phải chăng có đối tượng đầu cơ lũng đoạn để trục lợi?

Cũng ghi nhận các kết quả tích cực về kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, trong bối cảnh mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ trên thế giới, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành hết sức sáng suốt, khôn khéo, tận dụng thời cơ để phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia. 

Đại biểu: Dân không có nhu cầu vàng, có thể là do nhóm đầu cơ lũng đoạn - 2

Đại biểu Tạ Thị Yên (Ảnh: Quochoi.vn).

Tuy nhiên, theo bà Yên, không thể không nhắc đến một số biến động bất thường của thị trường, ví dụ thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.

"Đối với thị trường vàng, chúng ta có thể thấy rõ đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân mà có thể là do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi", bà Yên nhận định.

Đối với thị trường bất động sản, bà Yên cũng cho rằng, việc thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ hợp với khả năng tài chính của người dân cũng cần phải điều chỉnh.

Bà Yên cho biết thêm, nhà ở xã hội có nơi thừa, nơi thiếu; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ đồng là rất thấp.

"Cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách của chúng ta là rất tốt, rất nhân văn; người dân rất mong mỏi, chờ đợi, nhưng lại chậm được triển khai thực hiện", bà Yên đề nghị.