Đại biểu: Nếu được làm lại thì gói VAT nên giảm đồng loạt 8% sẽ tốt hơn
(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chính sách giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.
Chính sách giảm 2% thuế VAT có tác dụng kép
Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được quy định cụ thể) đạt được kết quả tích cực.
Cụ thể, số thuế VAT dự kiến giảm khi xây dựng chương trình là 49.400 tỷ đồng. Số thực hiện đạt 44.458 tỷ đồng, trong đó làm giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2022 là 41.498 tỷ đồng, làm giảm thu ngân sách Nhà nước tháng 1/2023 là 2.960 tỷ đồng, bằng 90% số dự kiến.
Việc áp dụng chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được áp dụng chung cho các tổ chức, cá nhân, không phân biệt quy mô doanh nghiệp. Chính sách có tác dụng kép, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời việc áp dụng chính sách này còn góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao.
Tuy nhiên, báo cáo của Đoàn giám sát chỉ ra nhiều tồn tại trong việc thực hiện miễn, giảm thuế. Cụ thể, về việc xác định một số hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT và một số hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT và tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS code khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu; một số doanh nghiệp không nắm rõ các mặt hàng kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT.
Cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.
Số tiền giảm thuế VAT đối với trường hợp này thấp, một số cơ sở kinh doanh, người mua hàng hóa dịch vụ không muốn thực hiện theo quy định. Còn một bộ phận khá lớn hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhỏ, lẻ không thực hiện hoặc không có điều kiện thực hiện xuất hóa đơn bán hàng nên không quản lý được giá bán hàng hóa.
Còn tình trạng lúng túng trong khâu áp dụng, phát sinh các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đòi hỏi cơ quan thuế phải hướng dẫn, giải thích; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách vẫn còn gặp khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể.
Trái chiều về đối tượng giảm 2% thuế VAT
Về chính sách giảm 2% thuế VAT, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu quan điểm một số ngành đưa vào danh sách giảm là đúng, còn "một số ngành chưa chắc cần phải giảm".
Ông Huân cho rằng phần thuế được giảm là giảm thuế doanh thu cho doanh nghiệp mà hiện nay các doanh nghiệp đang dần trở lại bình thường. Ông nói: "Đương nhiên khu vực tư còn khó khăn nhưng hỗ trợ các doanh nghiệp bớt khó khăn hiệu quả hơn là giảm thuế 2%".
"Tôi lấy ví dụ, đi cầu Thăng Long trả 10.000 đồng, qua cầu khác trả 9.000 đồng cho tài xế nhưng Nhà nước thất thu 4.000 tỷ đồng trong đó", ông nêu.
Trong phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng gói giảm thuế VAT giảm thuế VAT phát huy hiệu quả cao do biện pháp này dựa trên các thủ tục thuế sẵn có. Tuy nhiên việc giảm thuế VAT cũng gặp vấn đề khi phân loại mặt hàng nào thuế VAT 8% và loại nào là 10%.
"Nếu được làm lại thì gói VAT nên giảm đồng loạt 8% thì sẽ tốt hơn", đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm trái ngược với đại biểu Huân.
Ngoài thuế VAT, đại biểu Đồng cũng đánh giá cao chính sách giảm thuế xăng dầu của Chính phủ khi giá nhiên liệu tăng, từ đó giúp cho quá trình phục hồi kinh tế diễn ra thuận lợi hơn.
Ông cho biết Chính phủ cũng linh hoạt gia hạn nộp thuế đến cuối năm. Giải pháp này cũng rất cần thiết, doanh nghiệp như được vay một khoản ngắn hạn lãi suất 0%. Điều này có tác dụng rất lớn đối với doanh nghiệp khi lãi suất tăng cao và thủ tục vay ngân hàng khó khăn.
Tuy nhiên đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết có tình trạng "tát nước theo mưa". Trong khi Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ kinh tế nhưng có ngành xin thêm ví dụ như ngành ô tô xin gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ. Doanh thu ô tô năm 2022 tăng kỷ lục.
"Đáng lý giảm được cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8% thì lại quá cứng nhắc, phụ thuộc vào Quốc hội, vào Nghị quyết 43", ông Đồng nêu ý kiến.
Đại biểu cho rằng trong tương lai nếu có những chính sách hỗ trợ nền kinh tế thì việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí con số lớn hơn đối với một số ngành cụ thể.