Vấn đề kinh tế nổi bật tuần qua:
Doanh nghiệp BOT "nặng" nợ, xét kỷ luật cán bộ vụ ông Vũ Huy Hoàng
(Dân trí) - Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thu 5,5 tỷ đồng/ngày không đủ trang trải lãi vay, tỉnh Cao Bằng muốn vay Trung Quốc 300 triệu USD làm đường cao tốc, thị trường bất động sản "dậy sóng" vì một văn bản của Bộ Tài chính, xét kỷ luật cán bộ vụ ông Vũ Huy Hoàng vào khu cách ly sân bay... là những vấn đề "nóng" được dư luận quan tâm trong tuần qua.
Ông Vũ Huy Hoàng vào khu cách ly sân bay: Bộ Công Thương xét kỷ luật cán bộ
Bộ Công Thương vừa phát đi thông tin báo chí về việc cấp thẻ kiểm soát an ninh vào khu vực cách ly của sân bay Nội Bài cho ông Vũ Huy Hoàng cuối tuần qua. Bộ này cho biết đang xem xét hình thức xử lý phù hợp với các cán bộ liên quan đang phải làm giải trình về việc này.
Trước đó, ngày 4/5/2017, ông Vũ Huy Hoàng liên lạc qua điện thoại với cán bộ phụ trách lễ tân của Văn phòng Bộ Công Thương là ông Đào Đặng Tùng Lâm đề nghị được tạo điều kiện, hỗ trợ làm thủ tục vào khu vực cách ly sân bay Nội Bài để tiễn người thân đi công tác nước ngoài.
Sau khi nhận được điện thoại, trong ngày 4/5/2017, ông Đào Đặng Tùng Lâm đã làm công văn số 3844/BCT-VP trình Phó chánh Văn phòng Nguyễn Như Diễm ký mà không báo cáo các cấp có thẩm quyền, gửi Cảng vụ hàng không Miền Bắc và một số đơn vị liên quan đề nghị cấp thẻ an ninh cho ông Vũ Huy Hoàng được vào khu vực cách ly để tiễn người thân đi chuyến bay VN512 lúc 10h10 ngày 5/5/2017 (thẻ có giá trị sử dụng một lần) và có cán bộ lễ tân của Bộ Công Thương đi cùng.
Ngày 5/5/2017, ông Vũ Huy Hoàng được Cảng Vụ hàng không miền Bắc cấp thẻ số TL-504, HAN:0066540 vào khu vực cách ly 2A, đồng thời, ông Lâm là cán bộ trực tiếp đi cùng ông Vũ Huy Hoàng vào khu vực cách ly 2A.
Cả thị trường bất động sản "dậy sóng" vì một văn bản của Bộ Tài chính
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hoá từ ngày 1/7/2014 đến ngày 30/11/2016 kèm danh sách tham khảo 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Bộ Tài chính trình Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách các cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư. Danh sách tổng hợp này bao gồm nhiều dự án lớn trên cả nước như: khu nhà ở thấp tầng tại Xa La, 25 Vũ Ngọc Phan và 1141 Giải Phóng (Hà Nội), dự án Pandora 53 Triều Khúc (Hà Nội), dự án PVV-Vinapharm 60B Nguyễn Huy Tưởng...
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thẩm quyền.
Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép bán chỉ định, UBND tỉnh, thành phố phải thực hiện đấu giá đất sát giá thị trường. Việc xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất UBND tỉnh, thành phố chưa xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố và chưa báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trong kỳ họp gần nhất, phải thực hiện báo cáo trước khi thực hiện.
Văn bản này của Bộ Tài chính đã khiến cả thị trường bất động sản "dậy sóng". Theo đó, nhiều khách hàng nghe thấy thanh tra thì đã rất lo ngại dự án gặp phải những vấn đề về pháp lý, sợ mua rồi không lấy được sổ đỏ. Chưa kể với những dự án đang triển khai, khách hàng còn e ngại nếu bị ngừng thi công thì ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Nhiều khách hàng tỏ ra hiểu chuyện hơn thì lo rằng chủ đầu tư phải nộp thêm tiền sử dụng đất khiến người mua nhà phải chịu thêm khoản chi phí này.
Bình luận về động thái này của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: "Đáng lẽ ra việc thanh kiểm tra thì cơ quan quản lý cứ lên danh sách, có phân kì kiểm tra và khi chưa có kết luận, chưa xem xét xử lý thì không nên công bố là có thất thoát này kia nhằm tránh "đổ oan" cho doanh nghiệp".
Một thông tin đáng tiếc với thị trường tuần vừa qua đó là sự kiện bà Trần Thị Hường, cố vấn cấp cao của Nam A Bank, Chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu qua đời tại TPHCM, hưởng thọ 82 tuổi. Tuy kín tiếng với truyền thông nhưng bà Hường được mệnh danh là "bà trùm" trên thị trường tài chính, bất động sản, người đầu tiên nghĩ ra mô hình nuôi yến tại nhà.
Cao tốc: 5,5 tỷ đồng/ngày không đủ trả lãi vay
VIDIFI cho biết, tại dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, số thu phí từ 2 tuyến đường bình quân là 5,5 tỷ đồng/ngày, lãi vay phải trả khoảng 8 tỷ đồng/ngày. Với số tiền hụt 2,5 tỷ đồng/ngày (khoảng 900 tỷ đồng/năm), lãi vay chiếm 94% chi phí trong giai đoạn vận hành, nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời, chủ đầu tư lo ngại sẽ phá vỡ phương án tài chính dự án, làm mất cân đối nghiêm trọng tài chính của chủ đầu tư này.
Cần tiền thực hiện mục tiêu xây dựng 1.000 km đường cao tốc, tuy nhiên hiện nay việc huy động vốn gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tính tới phương án “bán” quyền thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong 30 năm. Đây là việc chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Thương vụ chuyển nhượng này dự kiến mang về cho VEC khoảng 9.171 tỷ đồng. Và đối tác tiềm năng được hé lộ là Tập đoàn VINCI Concessions (Pháp). Sau khi chuyển nhượng dự án, đơn vị nhận chuyển nhượng sẽ thành lập một công ty cổ phần dự án chịu trách nhiệm khai thác, vận hành, thu phí, bảo trì và sửa chữa tuyến đường đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành.
Trong khi đó, để nâng cấp hạ tầng, mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị bổ sung quy hoạch và lập dự án đầu tư tuyến cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) trong giai đoạn 2016-2020. Để thu xếp vốn, tỉnh này kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tham mưu cho Thủ tướng đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc để đạt được thỏa thuận khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc.
Trong khi doanh nghiệp và chính quyền đang "cầu viện" Nhà nước về vấn đề vốn, thì liên quan đến vấn đề thể chế, tại cuộc họp báo về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, ban tổ chức đề cập đến vụ việc gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư buộc phải tiêu hủy do hết hạn sử dụng, nguyên nhân xuất phát từ chậm trễ trong thủ tục xác nhận viện trợ của các cơ quan có thẩm quyền.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình luận, đây là một hành vi hành chính “vô cảm, thiếu trách nhiệm”. Vị Chủ tịch VCCI thậm chí còn gọi đây là “đỉnh cao của hành vi vô cảm”, gây tác động lớn.
Thiết nghĩ, đã đến lúc Nhà nước cần rút khỏi lĩnh vực kinh tế để tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thủ tục thông thoáng, nhanh gọn - đây mới là sự hỗ trợ thiết thực nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.
37.286 ô tô công - Bộ Tài chính dẫn đầu
Báo cáo tài sản Nhà nước năm 2016 được Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội mới đây cho thấy, tính đến cuối năm ngoái, cả nước có tổng cộng 37.286 ô tô công với tổng nguyên giá xấp xỉ 24.000 tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng giá trị tài sản Nhà nước. Nếu không tính các đơn vị lực lượng vũ trang thì Bộ Tài chính đang dẫn đầu về số lượng xe công với sở hữu lên tới 2.295 chiếc.
Riêng năm 2016 đã có 2.166 ô tô công tăng thêm do mua mới, tiếp nhận với tổng nguyên giá hơn 2.015 tỷ đồng. Số lượng mua mới là 1.164 xe với tổng nguyên giá gần 1.223 tỷ đồng, với 32 xe mua mới phục vụ chức danh, 181 xe phục vụ công tác chung và 951 xe sắm mới là xe chuyên dùng.
Việc mua mới xe ô tô công trong năm qua được Chính phủ khẳng định, “chủ yếu là để trang bị cho các cơ quan, đơn vị chưa có xe ô tô, xe ô tô chuyên dùng và thay thế xe ô tô đã hết thời hạn sử dụng”.
Tuy nhiên, áp lực mua sắm ô tô công vẫn còn rất lớn khi đến thời điểm báo cáo, số xe ô tô công đã sử dụng trên 15 năm (quá thời gian tính hao mòn theo chế độ) đã lên tới 8.710 chiếc, chiếm trên 23% tổng quỹ xe công. Tổng giá trị còn lại của xe ô tô công theo sổ kế toán đến 31/12/2016 là 7.435 tỷ đồng, bằng 31% tổng nguyên giá - cho thấy phần lớn xe ô tô công đã sử dụng trên 2/3 thời gian theo chế độ quy định.
Bích Diệp