Bộ Tài chính dẫn đầu sở hữu ô tô công
(Dân trí) - Là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện khoán xe công; tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Tài chính vẫn là đơn vị sở hữu nhiều xe công nhất trên cả nước (không tính lực lượng vũ trang) với gần 2.300 chiếc.
Các hội cũng được bố trí xe công
Báo cáo tài sản Nhà nước năm 2016 được Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội mới đây cho thấy, tính đến cuối năm ngoái, cả nước có tổng cộng 37.286 ô tô công với tổng nguyên giá xấp xỉ 24.000 tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng giá trị tài sản Nhà nước.
Trong đó, khối cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng 16.383 chiếc, chiếm 44%; khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 16.026 chiếc, chiếm 43%; khối các tổ chức quản lý, sử dụng 4.567 chiếc, chiếm 12%; khối các ban quản lý dự án quản lý, sử dụng 310 chiếc, chiếm 0,83%.
Cụ thể hơn, trong số các cơ quan Nhà nước, nếu không tính các đơn vị lực lượng vũ trang thì Bộ Tài chính đang dẫn đầu về số lượng xe công với sở hữu lên tới 2.295 chiếc. Nguyên nhân là do bộ này có quy mô lớn với nhiều đơn vị trực thuộc, trong đó, số ô tô công tại Tổng cục Thuế là 940 chiếc; tại Kho bạc Nhà nước là 770 chiếc, tại Tổng cục Hải quan là 462 chiếc; tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước là 33 chiếc và tại các đơn vị khác là 90 chiếc.
Một số bộ ngành, cơ quan khác cũng sở hữu lượng xe công lớn là Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao với 623 chiếc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 808 chiếc; Bộ Giao thông vận tải với 672 chiếc; Bộ Y tế với 507 chiếc; Bộ Công Thương với 394 chiếc…
Ngoài ra, danh sách này cũng cho thấy, có những cơ quan sở hữu lượng xe công rất khiêm tốn, có thể kể đến Thanh tra Chính phủ với 42 chiếc; Kiểm toán Nhà nước với 80 chiếc; Hội đồng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với 18 chiếc.
Một số hội như Hội điện ảnh Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội chữ thập đỏ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam… mỗi đơn vị chỉ được bố trí vài chiếc ô tô công.
Sự chênh lệch về số lượng đầu xe ô tô công tại các cơ quan, đơn vị tùy thuộc vào quy mô, tiêu chuẩn, định mức và tính chất hoạt động của các đơn vị này.
Xe chức danh chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ
Cũng phải nói thêm rằng, do tính chất, nhiệm vụ đặc thù, có những đơn vị được bố trí xe chỉ thuần là xe phục vụ chức danh hoặc phục vụ công tác chung, nhưng cũng có những đơn vị phần lớn là xe chuyên dụng. Chẳng hạn như Bộ Y tế đương nhiên số lượng xe công sẽ lớn vì bao gồm cả xe cứu thương. Hay như Bộ Tài chính, một số cơ quan như thuế, kho bạc yêu cầu lượng xe công lớn nhằm mục đích chuyên chở tiền...
Trong cơ cấu của quỹ xe công cả nước, xe phục vụ chức danh chỉ chiếm 2,31% với số lượng 860 chiếc. Phần lớn xe công là xe phục vụ công tác chung (chiếm gần 57%) với 21.114 chiếc và xe chuyên dùng (chiếm hơn 41%) với 15.312 chiếc.
Hiện tại, nhằm tiết giảm đầu xe công, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, tăng cường việc khoán xe ô tô và xử lý xe ô tô dôi dư sau khi rà soát, sắp xếp lại.
Theo đó, điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu theo tiêu chuẩn, định mức; thực hiện thanh lý đối với xe ô tô đủ điều kiện thanh lý theo quy định, việc bán, thanh lý thực hiện theo hình thức đấu giá công khai; chuyển xe ô tô phục vụ công tác chung sang nhóm xe chuyên dùng đối với xe phù hợp với định mức xe chuyên dùng đã được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg theo hướng đến năm 2020 giảm khoảng từ 30-50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung đang trang bị cho các bộ, ngành, địa phương; quy định cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê xe ô tô để phục vụ công tác như một số bộ, địa phương đã thực hiện (Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, thành phố Hà Nội...).
Bích Diệp