1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp bị bôi xấu “vô tội vạ” trên Facebook, tổn thất nặng nề

(Dân trí) - Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể là nạn nhân của một trang Facebook ảo. Đó là thực tế đang diễn ra, mạng là ảo nhưng thiệt hại của doanh nghiệp là thật.

Doanh nghiệp bị bôi xấu “vô tội vạ” trên Facebook, tổn thất nặng nề - 1

Họp báo Thông tin về hành vi bôi xấu thương hiệu trên mạng xã hội tổ chức tại Trung tâm báo chí TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Chiều 10/7, tại Trung tâm báo chí TPHCM đã diễn ra buổi họp báo Thông tin về hành vi bôi xấu thương hiệu trên mạng xã hội.

Tại buổi họp báo, bà Trương Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Sakura Beauty Việt Nam cho biết, doanh nghiệp của bà là một trong những nạn nhân của việc bôi xấu trên mạng xã hội.

Cụ thể, vào tháng 2/2019, doanh nghiệp này đã bị một tài khoản Facebook mang tên Diệp Xuân Hạ bôi xấu về nguồn gốc, sản phẩm của Sakura Nhật Bản và gây ảnh hưởng tới uy tín của công ty này.

“Sau khi bị bôi xấu, chúng tôi đã thực hiện lập vi bằng đối với các hành vi sai phạm nêu trên và gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng. Mặc dù những thông tin bịa đặt được chia sẻ trên môi trường ảo nhưng thiệt hại của doanh nghiệp lại là thật”, bà Nguyệt nói.

Việc bị bôi xấu thương hiệu đã khiến cho Công ty Sakura phải gánh chịu những hậu quả đầu tiên như: khách hàng hoài nghi sản phẩm, kế hoạch kinh doanh phát triển chậm lại…

Công ty Sakura đã làm đơn tố cáo gửi Bộ Công an, Công an TPHCM, Sở Thông tin Truyền thông TPHCM và nhiều cơ quan khác. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đã phản hồi vụ việc đến Văn phòng Facebook tại Singapore để xử lý vụ việc.

Tài khoản facebook Diệp Xuân Hạ cũng đã gỡ bỏ những thông tin bôi xấu thương hiệu Sakura và ngưng hoạt động sau đó. Tuy nhiên, thiệt hại của doanh nghiệp thì không ai có thể cứu vãn được.

“Luật An ninh mạng đã được ra đời nhưng tại sao thương hiệu của chúng tôi vẫn bị bôi nhọ vô tội vạ. Khi chúng tôi trình bày sự việc với các cơ quan công an thì họ đều nói rất khó xử lý vì chưa có hướng dẫn thi hành cụ thể”, bà Nguyệt chia sẻ.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây không phải là lần đầu một thương hiệu bị bôi xấu trên mạng xã hội mà đã có rất nhiều thương hiệu từng trải qua tình trạng này.

Cách đây không lâu, một thương hiệu nước giải khát nổi tiếng đã bị một tài khoản Facebook tên Nguyễn Công Minh khẳng định, anh ta bị suy thận nặng sau thời gian dài uống nước ngọt của hãng này.

Không chỉ có thế, doanh nghiệp nước giải khát nói trên còn bị phát tán tin giả trên Facebook.

Cụ thể, một bản tin giả viết về việc nước ngọt của hãng này làm 15 em học sinh cấp 3 tại Tuyên Quang nôn ói, trong đó có có 2 em tử vong.

Thế nhưng, sau khi xác minh thì hình ảnh bệnh nhân nằm viện được lấy từ một trang web ở Pakistan, hình ảnh đám ma 2 em học sinh tử vong cũng là giả mạo.

Một ngân hàng cũng đã từng bị một trang Facebook vu khống về việc chiếm đoạt 20 tỷ đồng của khách hàng và đuổi đánh khách.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TPHCM nhận định, trên thực tế, nhiều đối tượng không dùng trang cá nhân của mình hay danh tính thật để bôi xấu cá nhân hay đơn vị nào đó. Các đối tượng thường lập một trang “ảo” để nói xấu, bôi nhọ nhằm khó bị phát giác.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Đức Chánh thì cơ quan chức năng giải quyết tin báo, tố giác tội phạm không dựa vào tên trên mạng để xác minh hành vi vi phạm, mà có nhiều biện pháp nghiệp vụ khác. Vì vậy, dù người vi phạm có sử dụng “nick ảo” hoặc tên người khác để che giấu thì vẫn có thể bị phát hiện, xử lý.

Đại diện Trung tâm báo chí TPHCM cho biết, đơn vị này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, tử tế khi doanh nghiệp bị vu khống, xuyên tạc. Trung tâm sẽ là cầu nối để doanh nghiệp có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải với giới truyền thông.

Đại Việt