Đồ uống mùa đông: Khởi động sớm, kiếm đậm

Mặc dù mới chuyển mùa, thời tiết mát mẻ hơn, nhiều bà nội trợ đã lục đục tìm đồ uống truyền thống để dùng trong mùa đông. Giảo cổ lam loại 7 lá, quế chi, đinh hương, những vị ngọt ấm đang là sự lựa chọn hàng đầu.

Đắt hàng đồ uống giữ ấm
 
Đắt hàng đồ uống giữ ấm

 

Ngay từ những ngày đầu tháng 8, biết người bạn làm việc tại Cao Bằng về Hà Nội công tác, chị Nguyễn Thị Nhung (ngõ 18 Nguyễn Thị Định, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải nhờ vả mua hộ 5 lít mật ong rừng.

 

Chị Nhung cho biết: "Nhà mình quanh năm luôn có hũ mật ong gừng trong tủ lạnh để dùng dần bởi tác dụng làm ấm người, giải cảm của nó, nhất là khi trời lạnh càng không thể thiếu. Ra ngoài về, mình thường pha ngay một ly trà hoặc ly nước mật ong gừng  uống cho ấm người. Những lúc bị tụt huyết áp hay bị cảm thì món này lại càng hữu dụng. Nhấp một ngụm trà gừng thấy tỉnh người và khỏe hơn ngay lập tức. Sắp lập đông, mình đã phải chuẩn bị mua gừng và mật ong để sẵn sàng đối phó với thời tiết".

 

Mùa hè tìm mua râu ngô, rau má, nhưng trời vừa sang thu, chị Nguyễn Hồng Hà (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) lại dự trữ quả La hán. Không chỉ chọn mua những quả lớn tròn, cứng chắc, lắc không kêu, vỏ có màu nâu vàng mà chị còn chọn cả ấm tích giữ ấm. Chị Hà chia sẻ, đọc trên sách báo thấy nước hãm từ quả La hán rất giàu dinh dưỡng, thích hợp với những người thể tạng nóng trong, đặc biệt là những người bị đái tháo đường hay béo phì. Mùa hè, nước uống này có thể trị say nắng, giảm nhiệt; mùa đông sẽ làm mềm và giữ ấm cổ họng nên chị năm nào cũng trữ sẵn.

 

Lọ mọ lên khắp phố Thuốc Bắc và phố cổ bán các loại cây, lá truyền thống như attiso, giảo cổ lam, quả la hán, quế chi... chị Nguyễn Thị Nhài vẫn loay hoay tìm một loại đồ uống giữ ấm cho mùa đông.

 

Chị Nhài tâm sự, đồ uống giải khát mùa hè phong phú và dễ tìm bao nhiêu thì mùa đông lại khó bây nhiêu. Tiêu chí giữ ấm và chữa được một số bệnh cho cơ thể được đặt lên hàng đầu. Đồ uống mùa đông chủ yếu là hàng khô nên lại phải tránh những thực phẩm đã dùng chất bảo quản. "Tôi đã mua 2 kg giảo cổ lam loại 2 lá với giá 500.000 đồng, hiện chỉ cần thêm một số loại như quế chi, đinh hương tạo vị ấm và thơm nữa là tạm đủ", chị nói.

 

Chị Nguyễn Thị Thúy - nhân viên bán hàng trên phố Lãn Ông - cho hay, thị trường đồ uống mùa đông bắt đầu từ tháng 8-9, khi trời lạnh thì số khách hàng đông tăng gấp đôi. Năm nay, xu hướng chọn loại nước có vịt ngọt, ấm vẫn là xu hướng chính, nhưng hiện có nhiều hộ gia đình đang chọn loại sản phẩm cho người gút, tiểu đường hoặc chống mỡ máu.

 

Khởi động thị trường ấm tích, bình giữ nhiệt

 

Không chỉ về những phiên chợ quê, ở các cửa hàng bán nước ở Hà Nội, hầu như quán nào cũng có những chiếc ấm, tích giữ ấm. Hay khi đi uống nước chè ở hàng nước, gọi một cốc trà nóng, nhân trần nóng chúng ta cũng dễ bắt gặp hình ảnh bà chủ quán nước lôi chiếc ấm được vùi trong giỏ nan, nấp bông ra rót. Thay vì dùng đá, cốc thủy tinh lớn như mùa hè, theo nhiều tiểu thương buôn ấm tích cho biết, xu hướng dùng ấm tích giữ ấm đồ uống mùa đông đang quay trở lại. Hiện rất nhiều các gia đình ở thành thị lại đang thịnh hành loại ấm này.

 

Theo ông Nguyễn Văn Nhân, một nghệ nhân làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), tháng 8, tháng 9 là thời điểm mặt hàng này được sản xuất nhiều nhất phục vụ thị trường.

 

Ngoài ấm tích tiện dụng trong các gia đình, hiện trên thị trường còn có hàng loạt các loại bình giữ nhiệt từ vài chục lên tới vài trăm nghìn đồng. Chị Nguyễn Thị Bình, nhân viên ngân hàng Agribank chi nhánh Tây Hà Nội, chia sẻ: "Bình giữ nhiệt vừa giữ ấm nước lại có thể làm ấm cơ thể nên mình mua cho 2 đứa nhỏ mỗi đứa một chiếc. Uống nước từ nhà vừa giữ ấm lại đảm bảo vệ sinh".

 

Theo nhân viên bán hàng tại BigC, tùy theo chất liệu mà bình nước có thể giữ nhiệt độ trong bao lâu, thông thường từ 4 giờ để giữ nước ấm và 8 giờ để giữ lạnh. Một số bình đặc biệt có thể giữ nhiệt độ ấm trong 24 giờ và giữ lạnh đến 48 giờ (vẫn còn đá nhỏ trong bình).

 

Trên thị trường, bình giữ nhiệt có hai chất liệu: nhựa và kim loại. Bình nhựa có kết cấu 2 lớp với phần không khí rỗng ở giữa để cách nhiệt. Ưu điểm của loại bình này là giá khá mềm, chỉ 40.000-100.000 đồng/bình, tuy nhiên giữ nhiệt kém, không dùng để đựng nước nóng.

 

Bình kim loại bền và chắc chắn hơn, vỏ màu kim loại sáng bóng (inox, thép không rỉ) hoặc sơn tĩnh điện (nhôm), chia thành hai loại: loại bên trong cùng chất liệu với vỏ, đựng được nước nóng 100 độ, nhưng chỉ giữ nhiệt được 8-24 giờ (nóng - lạnh); loại bên trong phủ một lớp silicon có chức năng giữ nhiệt tốt hơn, có thể giữ đá đến 48 giờ, nhưng chỉ sử dụng cho nước nóng dưới 70 độ C. Loại này có thể lên tới vài trăm ngàn. Thông thường, vào chính mùa đông, các mặt hàng này bán rất chạy.

 

Theo Yên Ba

VEF