Dò đáy bất động sản: Cuối năm hay vài năm nữa?

(Dân trí) - Muốn cứu được thị trường thì chúng ta phải đánh giá được giá bất động sản đã đến đáy chưa? Nếu đến đáy rồi thì mới lên được. Chưa đến đáy thì khi nào đến đáy?...

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội Mai Xuân Hùng đặt vấn đề tại hội thảo Khả năng phục hồi thị trường bất động sản diễn ra sáng 9/5 tại Hà Nội. Đáp lại ý kiến gợi mở của ông Hùng, các ý kiến đều cho phải mất vài năm nữa thị trường mới xuống đáy thực sự và khả năng giá nhà sẽ tiếp tục  giảm sâu nữa…
 
Theo nhiều nhận định thì giá nhà sẽ tiếp tục giảm vì lượng hàng tồn quá lớn
Theo nhiều nhận định thì giá nhà sẽ tiếp tục giảm vì lượng hàng tồn quá lớn
 
Bao giờ tới đáy?

Nhìn nhận thực trạng thị trường bất động sản hiện nay chủ yếu do đầu cơ, PGS- TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng  một khi thị trường bất động sản nảy sinh bong bóng thì không có cách gì có thể duy trì bong bóng đó, nó phải vỡ.

“Nhà nước nhiều lắm cũng chỉ hạn chế được phần nào những tác hại của nó. Bong bóng bất động sản ở Nhật nổ tung đã làm cho kinh tế Nhật suy thoái trì trệ từ thập kỷ 90 đến nay, dù chính phủ Nhật đã áp dụng nhiều giải pháp cứu chữa”, ông Lược nói.

Bàn về gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ mà Ngân hàng nhà nước cho biết trong tuần tới sẽ có thông tư hướng dẫn, ông Lược nói: “Công cụ gì để Nhà nước có thể tham gia điều tiết thị trường bất động sản hữu hiệu có thể trả lời ngay đó là cơ chế chính sách chứ không phải là tiền”.
 
Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để cứu thị trường thì trước hết phải biết khi nào thị trường tới đáy. Theo ông Hiếu thị trường bất động sản chưa chạm đáy và có thể chạm đáy vào cuối năm nay.
 
“Khi chạm đáy thì đáy đó không phải hình chữ V, nghĩa là chạm đáy rồi phục hồi ngay. Tôi nghĩ đáy đó sẽ theo đường lồi lõm mất nhiều năm”, ông Hiếu nhận định.
 
Theo TS Hiếu, để thị trường BĐS chạm đáy sớm và hồi phục nhanh phải giải quyết được vấn đề nợ xấu. Hiện nay theo vị chuyên gia này thì dư nợ trong hệ thống ngân hàng là 2,7 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 6%. Trong đó nợ xấu bất động sản chiếm 58%, tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng. Hàng tồn kho bất động sản hiện khoảng 140.000 tỷ đồng.
 
“Nếu vấn đề nợ xấu không được giải quyết ngay, các cơ quan chức năng không vào cuộc mạnh mẽ thì thị trường phải mất 3-5 năm mới phục hồi", ông Hiếu khẳng định.

BĐS chạm đáy thì doanh nghiệp đã chết “phơi xương cá”

Tuy nhiên dưới góc nhìn của người trong cuộc, hiểu rõ nhất những tác động của chính sách với thị trường bất động sản, ông Lê Quốc Chính, GĐ Giám đốc phát triển kinh doanh công ty TNHH Hibrand Vina thẳng thắn cho rằng các chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn không đi vào cuộc sống.
 
“Trong năm qua, ngân hàng 3 lần giảm lãi suất nhưng người dân vẫn khó tiếp cận. Doanh nghiệp giảm giá bao nhiêu người mua vẫn thờ ơ. Các doanh nghiệp trong nước đang bị tắc, thậm chí còn bị cắt vào thịt của mình.
 
Lãnh đạo Hibrand Vina đòi xem xét lại gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vì nếu chỉ tháo gỡ khó khăn cho nhà thu nhập thấp thì không thể giải phóng hàng tồn kho bất động sản. "Nếu chỉ quan tâm đến nhà thu nhập thấp thì 3 năm nữa thôi, chúng tôi sẽ 'phơi xương cá' hết"”, đại diện doanh nghiệp nói.
 
Nhìn nhận thẳng thắn vấn đề khó khăn của thị trường bất động sản, GS Đặng Hùng Võ cho rằng thị trường là một cuộc chơi và vào thị trường phải chấp nhận luật chơi, “thắng có tiền bỏ túi, thua đành chấp nhận mất tiền”.
 
“Hơn nữa, bao nhiêu tiền có thể cứu được thị trường bất động sản và liệu có thể giải cứu được không. Nhìn vào thị trường chứng khoán, chính phủ cũng từng dang tay cứu thị trường chứng khoán, tung 5.000 tỷ nhưng không cứu nổi, thị trường chứng khoán hiện nay đang đi theo quy luật thị trường. Thị trường bất động sản có thể cũng sẽ như thế”, ông Võ nói.
 
Thông Chí