1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đồ chơi Trung thu đa dạng chủng loại, tù mù xuất xứ

(Dân trí) - Mỗi dịp Tết trung thu, trẻ nhỏ thường được bố mẹ sắm cho những món đồ chơi đủ màu sắc. Vì thế, gần đến rằm tháng Tám là thị trường đồ chơi lại vô cùng sôi động. Thế nhưng, chất lượng của những món đồ chơi này ra sao thì ít ai biết được.

Đồ chơi không rõ nguồn gốc tràn lan

Xã hội ngày càng hiện đại, thay vì mua đồ chơi truyền thống như như đèn ông sao, đèn kéo quân, trống bỏi,… Trẻ em ngày nay lựa chọn cho mình những chiếc mặt nạ người sắt, siêu nhân, cánh tiên, vương miện,…  Điều này không lạ, bởi đó là những hình ảnh gần gũi hơn với trẻ nhỏ thời nay.

Hơn nữa, những món đồ chơi này rất bắt mắt, với nhiều hình dạng, âm thanh và cập nhật rất nhanh theo xu hướng các bộ phim đang thịnh hành. Chúng được bày bán khắp nơi, từ các phố lớn như Lương Văn Can, Hàng Mã, đường Láng,…cho tới các chợ cóc, các quầy đồ chơi dưới chân các khu chung cư.

Đồ chơi Trung thu đa dạng chủng loại, tù mù xuất xứ - 1

Đồ chơi được bày bán ở rất nhiều tuyến phố dịp Trung Thu

Tuy nhiên, bên cạnh những đồ chơi có thương hiệu xuất xứ rõ ràng hiện rất nhiều loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, thậm chí chứa nhiều chất độc hại cho người dùng vẫn tồn tại.

Theo khảo sát của PV, tại một số khu phố như Hàng Mã (Hoàn Kiếm), đường Láng, chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội)… các loại đồ chơi phục vụ trẻ nhỏ dịp Trung thu đang được bày bán rất nhiều.

Giá mỗi món đồ chơi dao động từ 50.000 đồng đến vài trăm nghìn, trong đó, búp bê công chúa từ 80.000 đồng – 150.000 đồng/cái; xe tăng, máy bay, tàu hỏa… từ 200.0000 đồng – 350.000 đồng/chiếc; các mặt hàng khác như mặt nạ, gậy Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới từ 20.000 – 50.000 đồng/chiếc.

Phụ huynh vẫn chủ quan

Chỉ cần lướt qua một vài cửa hàng có thể thấy, mặt hàng đồ chơi “made in China” trên thị trường Việt Nam được bày bán rất nhiều. Thế nhưng, về nguồn gốc, nhiều mặt hàng không có dấu CR để nhận biết hợp chuẩn hợp quy.

Trong khi đó, nhiều vị phụ huynh lại cho con cái tự do lựa chọn đồ chơi yêu thích. Nhất là những món đồ chơi có nhiều màu sắc, kiểu dáng bắt mắt.

Đồ chơi Trung thu đa dạng chủng loại, tù mù xuất xứ - 2

Phụ huynh vẫn còn rất chủ quan khi mua đồ chơi cho con

Đang chờ con trai 5 tuổi chọn đồ chơi trên phố Hàng Mã, chị H.A (Linh Đàm, Hà Nội) thản nhiên cho biết: “Cháu chơi hết trung thu tôi cũng vứt đi, nên xuất xứ ở đâu cũng không quan trọng. Chỉ cần không cho con ngậm vào miệng là được.”

Cách suy nghĩ như của chị H.A là rất nguy hiểm. Bởi theo một số chuyên gia, nhiều loại đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc ngoài làm bằng chất liệu tái chế còn trộn thêm hạt nhựa công nghiệp, cho thêm phụ gia, màu công nghiệp.

Các loại nguyên liệu trên có nhiều chất hóa học, kim loại nặng, rất độc hại với con người. Nếu sử dụng trong thời gian dài, chất này xâm nhập vào cơ thể trẻ bằng cách tiếp xúc qua da, đường miệng hoặc thông qua đường hô hấp, gây nguy hại cho sức khỏe. Trẻ em rất dễ mắc các nguy cơ về ngộ độc, rối loạn chức năng hay vô sinh hoặc thậm chí có thể bị ung thư.

Biết độc hại, nhưng nhiều cơ sở sản xuất trong nước và các tiểu thương nhập vẫn nhập lậu đồ chơi không đảm bảo chất lượng, tem nhãn không đầy đủ. Thậm chí, không ít cơ sở tự gắn tem nhãn, thông tin trên nhãn không đầy đủ, không có thông tin cảnh báo sau đó bán ra thị trường, khiến người mua không thể phân biệt được. Đây là vấn nạn lớn đối với toàn xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 - Cục QLTT Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm đã phát hiện, xử lý gần 4.500 sản phẩm đồ chơi trẻ em do nước ngoài sản xuất. Các sản phẩm bị thu giữ chủ yếu là đồ chơi xếp hình, con quay, búp bê, trống… tại các điểm tập kết hàng hóa, cơ sở kinh doanh trên các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can.

Đồ chơi Trung thu đa dạng chủng loại, tù mù xuất xứ - 3

Lực lượng chức năng liên tục thu giữ các vụ kinh doanh đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài nhập lậu về trong thời gian gần đây (Ảnh minh họa)

Số hàng này không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có tem hợp chuẩn hợp quy đảm bảo chất lượng. Đội QLTT số 2 đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 15 vụ việc, ra quyết định xử phạt hàng chục triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa theo luật định.

Thế Hưng