Dính vào Sacombank: Eximbank tuột dốc
Nổi như cồn với vai trò chủ lực trong vụ thâu tóm Sacombank, rồi những đồn đoán về việc sáp nhập với NamAbank... gắn liền với lộ trình đi xuống của Eximbank. Điều gì đang xảy ra ở Eximbank?
Lên nhanh xuống chóng
Đầu năm 2012, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank, công bố nhóm nhà đầu tư mà Eximbank đại diện đã nắm trên 51% vốn cổ phần của Sacombank và yêu cầu bầu lại toàn bộ Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát.
Từ một ngân hàng tầm trung, Eximbank bỗng chốc nổi bật với vai trò người dẫn dắt trong một cuộc thâu tóm đình đám nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Ông Phạm Hữu Phú, người của Eximbank, trở thành Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Cuộc thâu tóm tưởng chừng đã hạ màn sau hàng loạt các thông tin về sự hợp tác toàn diện giữa Sacombank với Eximbank và những lời đồn đoán về vụ hợp nhất giữa 2 ngân hàng này, tạo ra một ngân hàng hàng đầu trên thị trường với quy mô tài sản vào khoảng 330 nghìn tỷ đồng, lớn nhất trong khối ngân hàng tư nhân và bám sát Vietcombank..
Tuy nhiên, vở kịch lại có một bước ngoặt mới khi nhóm NĐT lớn ở Sacombank lên tiếng sáp nhập với Phương Nam - một ngân hàng được xem ở "chiếu dưới" hoàn toàn và Eximbank cũng bắt đầu rút vốn khỏi STB.
Đây cũng là bước ngoặt đối với chính Eximbank. Sau những xáo trộn, những cú bắt tay thâu tóm và tin đồn sáp nhập với Sacombank, Eximbank đang một mình với hành trình đi xuống khá thê thảm.
Từ vị trị hàng đầu trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, Eximbank liên tiếp thất bại trong nhiều kế hoạch đề ra cho năm 2013 và phá sản hàng loạt chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2014.
Trong quý IV/2014, Eximbank lỗ khủng 678 tỷ đồng do dự phòng rủi ro tăng vọt gấp gần 5 lần. Lỗ nặng trong quý IV đã xóa đi gần như toàn bộ thành quả kinh doanh của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm và kết quả lợi nhuận cả năm 2014 Eximbank chỉ đạt 56 tỷ đồng, chỉ bằng chưa tới 4% kế hoạch đề ra cho cả năm.
Hồi giữa năm 2014, Eximbank cũng chứng kiến một cú sốc: tài sản sụt giảm tới 22,4%. Tới cuối 2014, tài sản của Eximbank đã phục hồi đáng kể nhưng vị trí tốp 5 truyền thống dường như vẫn còn khá xa với đối với ngân hàng này khi mà cơ cấu nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng khác vẫn có tỷ lệ cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác (11,5 nghìn tỷ).
Kịch bản nào đang chờ?
Mặc dù vẫn được liệt vào nhóm ngân hàng cửa trên nhưng về dài hạn Eximbank vẫn có nguy cơ tụt lại trong cuộc đua cạnh tranh. Thậm chí, quá trình đi xuống nhanh chóng gắn với kịch bản Sacombank và những thôn tin đồn đoán về sáp nhập NamABank đang khiến nhiều người nghĩ đến một kịch bản được dựng sẵn đang chờ Eximbank mà ở phía trước.
Từ một nhà băng nổi danh đình đám với quy mô tài sản lớn và nằm trong "câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận", sau 2 năm, Eximbank đã nhanh chóng rớt ra xa khỏi tốp 5 NHTMCP lớn nhất. Đó là chưa kể tới tốp 4 NHTMCP có nguồn gốc quốc doanh BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank.
So về hầu hết các chỉ tiêu, Eximbank đang ngày càng thua xa so với ACB, Sacombank... vả cả những cái tên mới như Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) hay Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB).
Về lợi nhuận, gương mặt đình đám một thời Eximbank đã lao dốc không phanh từ vị trí thứ 4 năm 2012 xuống thứ 10 năm 2013 và nằm trong số những ngân hàng tốp cuối cùng trong năm 2014. Đây thực sự là một bất ngờ đối với một định chế có truyền thống kinh doanh ổn định.
Báo cáo tài chính của Eximbank cho thấy, nguyên nhân thực sự kiến ngân hàng này có kết quả kinh doanh thê thảm trong năm 2014 là do dự phòng rủi ro tăng mạnh. Riêng trong quý IV, khoản dự phòng đã lên tới gần 600 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước đó. Và tính cả năm, dự phòng cũng tăng gấp 3 lần so với năm liền trước.
Có thể thấy, việc tận dụng cơ hội đẩy trích lập dự phòng cao để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong giai đoạn này. Kéo nợ xấu xuống dưới 3% là yêu cầu của NHNN và cũng là điều kiện để ngân hàng được phép cho vay kinh doanh chứng khoán theo Thông tư 36. Dự phòng bản chất là "của để dành cho tương lai", cất cục lợi nhuận vào trong tủ làm của để dành.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động phi tín dụng khác của Eximbank chứng kiến thua lỗ khá nhiều. Hoạt động khác thua lỗ hơn 260 tỷ đồng, trong khi năm 2013 còn báo lãi 204 tỷ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tiếp tục yếu kém nhưng Eximbank vẫn dành một nguồn vốn đáng kể cho lĩnh vực này: 20 nghìn tỷ đồng tính tới cuối 2014.
Có thể thấy, hầu hết các ngân hàng đều phải chịu áp lực rất lớn trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống. Các ngân hàng phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2014. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà hoạt động tín dụng mang lại nhiều lợi nhuận cho các ngân hàng. Không ít tổ chức tín dụng báo lợi nhuận chung cuộc tăng mạnh so với năm liền trước. Eximbank nằm trong số ít các ngân hàng chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ trong cuộc tái cấu trúc này.
Trong thời gian tới, rất có thể Eximbank sẽ nhận sáp nhập NamABank. Nó giúp Eximbank có sự tăng vọt về tổng tài sản và quy mô vốn. Mặc dù vậy, điều này không có gì đảm bảo cho Eximbank có thể lấy lại được vị thế của mình.
Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mới bước sang giai đoạn 2 và đang diễn ra quyết liệt, có thể sẽ có còn nhiều cặp ngân hàng sáp nhập với nhau. Do vậy, cuộc đua cho sự tồn tại vẫn còn khốc liệt.
Theo Lê Hà