Điều gì khiến giá vàng giảm sau khi lập đỉnh?

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Giá vàng sau khi được đẩy lên mức cao kỷ lục trên 2.080 USD/ounce đã giảm do đối diện với áp lực chốt lời. Dữ liệu thị trường lao động Mỹ mới công bố cũng tác động đến giá vàng.

Vàng hạ nhiệt sau khi lập đỉnh

Kết thúc ngày 5/5, giá vàng miếng SJC tại các cửa hàng lớn ở Hà Nội đang được niêm yết ở 66,5-67,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 150.000 đồng/lượng so với lúc mở cửa phiên. Chênh lệch giá 2 chiều mua - bán là 600.000 đồng.

Giá vàng trong nước cùng chiều với thế giới. Hôm qua, có thời điểm giá vàng được đẩy lên mức kỷ lục 2.080 USD/ounce nhờ nhu cầu trú ẩn trong bối cảnh hệ thống ngân hàng hỗn loạn và lo lắng về suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, hiện giá vàng giao ngay trên Kitco đạt 2.017 USD/ounce, giảm 31 USD so với giá đóng cửa hôm qua.

Quy đổi theo tỷ giá USD chưa thuế, phí, giá vàng trong nước đang đắt hơn thế giới gần 10 triệu đồng/lượng.

Điều gì khiến giá vàng giảm sau khi lập đỉnh? - 1

Giá vàng thế giới quay đầu lao dốc về gần 2.000 USD/ounce sau khi phá kỷ lục (Ảnh: Tiến Tuấn).

Giá vàng thế giới đảo chiều phiên giao dịch cuối cùng của tuần do áp lực chốt lời của giới đầu tư khi giá vàng lập đỉnh.

Ngoài ra, số liệu mới công bố cho thấy thị trường lao động Mỹ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến đà giảm của vàng. Bảng lương phi nông nghiệp - bức tranh khái quát thị trường việc làm ở Mỹ - đã tăng 253.000 biên chế vào tháng trước. Con số này cao hơn nhiều so với ước tính trước đó là 181.000.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống 3,4%, còn dự báo trước đó là 3,6%. Đây là dữ liệu quan trọng mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi trước khi xem xét có kết thúc chu kỳ thắt chặt tích cực của mình hay không, nên phần nào tác động đến giá vàng.

USD giảm sâu

USD-Index - chỉ số đo sức mạnh đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - sáng nay đạt 101 điểm - giảm 0,14% so với trước đó và vẫn ở vùng giá thấp.

Kết thúc tuần này, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở 23.622 đồng/USD, giảm 13 đồng so với giá đóng cửa phiên liền trước. Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép niêm yết giá trần USD ở mức 24.803 đồng/USD và giá sàn là 22.440 đồng/USD.

Ngân hàng lớn giao dịch đồng bạc xanh phổ biến ở 23.250-23.620 đồng/USD (mua - bán). Còn tại ngân hàng cổ phần, giá là 23.220-23.600 đồng/USD (mua - bán). Chênh lệch giữa giá mua và bán là khoảng 300-400 đồng.

Trên thị trường tự do, giá USD ở 23.400-23.450 đồng/USD (mua - bán), tăng 70 đồng ở chiều mua và giữ nguyên chiều bán so với hôm qua. Chênh lệch giữa 2 chiều là 50 đồng.