1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Điều chưa từng có: Nữ Thống đốc ngân hàng đầu tiên, lãi suất thấp kỷ lục

Mai Chi

(Dân trí) - Với việc được Quốc hội phê chuẩn, bà Nguyễn Thị Hồng đã trở thành nữ Thống đốc đầu tiên trong lịch sử thành lập NHNN Việt Nam. Bên cạnh đó, loạt thông tin về tiền tệ cũng được quan tâm trong tuần qua.

Điều chưa từng có: Nữ Thống đốc ngân hàng đầu tiên, lãi suất thấp kỷ lục  - 1

Bà Nguyễn Thị Hồng - ứng viên nữ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đầu tiên tại Việt Nam

Chân dung nữ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đầu tiên của Việt Nam

Ngày 12/11, Quốc hội đã phê chuẩn, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Với 467/481 phiếu tán thành của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hồng đã trở thành nữ Thống đốc đầu tiên trong lịch sử thành lập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hồng sinh ngày 27/3/1968 tại Hà Nội, có bằng Thạc sỹ Kinh tế phát triển. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, bà Hồng đã có gần 30 năm công tác trong ngành ngân hàng và bắt đầu công tác ở Ngân hàng Nhà nước từ tháng 1/1991 tại Vụ Quản lý Ngoại hối.

Sau đó đến tháng 11/1993, bà chuyển công tác sang Vụ Chính sách tiền tệ. Từ năm 1993-2014, tại Vụ Chính sách tiền tệ, bà Hồng đảm nhiệm qua các vị trí chuyên viên, Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Vụ Chính sách tiền tệ, Phó Vụ trưởng và đến năm 2012 được bổ nhiệm làm Vụ trưởng.

Vào tháng 8/2014, bà Nguyễn Thị Hồng được Thủ tướng bổ nhiệm chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Sau đó, đến 16/8/2019, bà được tái bổ nhiệm vào vị trí này.

Năm 2019, bà được Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Lãi suất ngân hàng giảm sâu chưa từng có

Khảo sát thị trường cho thấy, xu hướng giảm lãi suất tiền gửi tiếp tục diễn ra ở nhiều ngân hàng kể từ đầu tháng 11 đến nay.

Trong khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh giảm thêm lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn.

Theo đó, lãi suất tiền gửi được Vietcombank đồng loạt giảm 0,2% - 0,4% so với biểu lãi suất hồi tháng 10. Cụ thể, lãi suất ngân hàng niêm yết tại kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng là 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng, lãi suất áp dụng ở mức 3,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng là 4%/năm.

Lãi suất tiết kiệm cao nhất được Vietcombank niêm yết ở mức 5,8%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi tại kỳ hạn 12 tháng.

Tại BIDV, Vietcombank và Agribank, ngoại trừ kỳ hạn 9 tháng có mức giảm 0,3% thì các kỳ hạn còn lại có mức giảm đồng loạt là 0,2%. Theo đó, biểu lãi suất có thay đổi và dao động trong khoảng từ 3,3%/năm - 5,8%/năm khi gửi tiền tại kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, hiện khoảng trên 10 ngân hàng giảm tiếp lãi suất tiền gửi, bao gồm: ACB, VIB, NamABank, LienVietPostBank, HDBank, ABBank, SCB, VietCapitalBank, MB… Trong đó, HDBank có mức giảm từ 0,15 - 0,45%/năm, tùy kỳ hạn; SHB có mức giảm từ 0,2 - 1%/năm.

Đặc biệt, MB có mức điều chỉnh giảm mạnh nhất, với mức giảm từ 0,15 - 1,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm từ mức 7,2% trong tháng 10 xuống còn 5,3%/năm trong tháng 11 (giảm 1,9%/năm); hay kỳ hạn 24 tháng cũng giảm từ 7,4%/năm trong tháng 10 xuống còn 5,67%/năm trong tháng 11 (giảm 1,73%/năm).

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, gần 70% doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng là cho vay qua đêm. Thế nhưng, lãi suất cho vay qua đêm cả tháng qua chỉ xoay quanh 0,1%, thấp nhất trong lịch sử. Mức lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tại Việt Nam đang xấp xỉ lãi suất cho vay qua đêm tại Mỹ (hiện là 0,8%). Thậm chí, trong tháng 10, có thời điểm lãi suất cho vay qua đêm tại Việt Nam thấp hơn cả tại thị trường Mỹ.

Giới chuyên gia cho hay, đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trên thị trường lãi suất tại Việt Nam, chứng tỏ các ngân hàng đang rất thừa tiền.

Tiền “rẻ” chưa từng có, dân Việt đổ xô đầu tư chứng khoán

Với lượng tiền “rẻ” đang rất dồi dào và kênh gửi tiết kiệm để lấy lãi đang trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư có nguồn vốn nhà rỗi.

Đây có thể là một phần nguyên nhân khiến số lượng nhà đầu tư F0 (lần đầu gia nhập) trên thị trường chứng khoán tăng nhanh. So với tiết kiệm và những kênh đầu tư khác thì chứng khoán vẫn đang là một kênh đầu tư khá hiệu quả .

Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước ở tháng 10 tiếp tục tăng so với tháng 9 và đạt 36.451 tài khoản (tăng 16%). Đây cũng là tháng có lượng tài khoản mở mới lớn nhất trong vòng 6 tháng qua. 

Tổng số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước tính đến hết 31/10 là hơn 2,63 triệu tài khoản. Riêng nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 36.346 tài khoản, tăng 5.006 tài khoản so với tháng 9. 

Lũy kế đến hết tháng 10, nhà đầu tư cá nhân đã mở 288.372 tài khoản, cao gấp rưỡi lượng mở mới của cả năm 2019 (187.825 tài khoản).

Bộ trưởng Công an lên tiếng về vấn nạn vay “tín dụng đen” qua mạng internet

Trong khi tiền trên thị trường đang rất “rẻ” (lãi suất ngân hàng xuống thấp chưa từng có) thì tình trạng tín dụng đen vẫn diễn biến vô cùng phức tạp.

Đại biểu Trần Văn Cường (đoàn Đồng Tháp) phản ánh, tín dụng đen đang hoành hành khắp cả thành thị lẫn nông thôn. Nạn nhân là những gia đình, cá nhân gặp khó khăn về kinh tế. Chúng đòi nợ theo kiểu xã hội đen, rất nguy hiểm cho “con nợ”, thậm chí người thân cũng bị khủng bố, gây hoang mang, lo lắng cho người dân. Thời gian qua, công an đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng chưa giảm mà hành vi xảo quyệt hơn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị cần khẩn trương có những hướng dẫn để giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.

“Vì phạm vi giữa dân sự và hình sự ở đây khoảng cách rất mong manh, quan hệ vay tín dụng và thỏa thuận mức lãi thông thường là quan hệ dân sự, có sự đồng ý của cả bên vay và bên cho vay, nhưng đi quá phạm vi của việc đó hoặc có dấu hiệu lừa đảo, dấu hiệu phạm tội hình sự thì mới là phạm vi xử lý hình sự. Hoặc gọi là mức lãi suất cao chưa chắc đã là vi phạm về hình sự vì do 2 bên thỏa thuận với nhau, vì vậy, trong xử lý về tín dụng đen cũng có những khó khăn, vướng mắc về hình sự” - Bộ trưởng Tô Lâm phân tích.

Lãnh đạo ngành công an cũng đề nghị phía ngân hàng cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đồng thời siết chặt quản lý tín dụng, không để các đối tượng lợi dụng nguồn tiền từ ngân hàng đưa ra hoạt động tín dụng đen. Hoặc là sẽ xây dựng hành lang pháp lý để quản lý các hoạt động tín dụng cho vay qua mạng internet.

“Các loại đối tượng tận dụng được điều kiện này trong khi chúng ta lại chưa tận dụng được vấn đề đó” - người đứng đầu ngành công an nói rõ.