Lãi suất ngân hàng giảm sâu chưa từng có
(Dân trí) - Khảo sát thị trường cho thấy, xu hướng giảm lãi suất tiền gửi tiếp tục diễn ra ở nhiều ngân hàng kể từ đầu tháng 11 đến nay.
Trong khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh giảm thêm lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn.
Theo đó, lãi suất tiền gửi được Vietcombank đồng loạt giảm 0,2% - 0,4% so với biểu lãi suất hồi tháng 10. Cụ thể, lãi suất ngân hàng niêm yết tại kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng là 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng, lãi suất áp dụng ở mức 3,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng là 4%/năm.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất được Vietcombank niêm yết ở mức 5,8%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi tại kỳ hạn 12 tháng.
Tại BIDV, Vietcombank và Agribank, ngoại trừ kỳ hạn 9 tháng có mức giảm 0,3% thì các kỳ hạn còn lại có mức giảm đồng loạt là 0,2%. Theo đó, biểu lãi suất có thay đổi và dao động trong khoảng từ 3,3%/năm - 5,8%/năm khi gửi tiền tại kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, hiện khoảng trên 10 ngân hàng giảm tiếp lãi suất tiền gửi, bao gồm: ACB, VIB, NamABank, LienVietPostBank, HDBank, ABBank, SCB, VietCapitalBank, MB… Trong đó, HDBank có mức giảm từ 0,15 - 0,45%/năm, tùy kỳ hạn; SHB có mức giảm từ 0,2 - 1%/năm.
Đặc biệt, MB có mức điều chỉnh giảm mạnh nhất, với mức giảm từ 0,15 - 1,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm từ mức 7,2% trong tháng 10 xuống còn 5,3%/năm trong tháng 11 (giảm 1,9%/năm); hay kỳ hạn 24 tháng cũng giảm từ 7,4%/năm trong tháng 10 xuống còn 5,67%/năm trong tháng 11 (giảm 1,73%/năm).
Trước đó, theo dữ liệu thống kê của Fiin Group (chuyên về dữ liệu tài chính) cho thấy, lãi suất huy động có chung xu hướng giảm trong tháng 10 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng.
Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh giảm 0,3%; lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỷ đồng giảm 0,072%; lãi suất của nhóm ngân hàng có quy mô lớn vốn trên 5.000 tỷ đồng giảm 0,493%.
Trong khi đó, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng quốc doanh tiếp tục sụt giảm mạnh nhất (-0,475%). Lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỷ đồng và lãi suất của nhóm ngân hàng có quy mô lớn vốn trên 5.000 tỷ đồng có mức giảm lần lượt là 0,052 và 0,323%.
Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng đều ở sâu dưới mức trần 4%. Trong khi đó, ở kỳ hạn dài (12 tháng) cũng chứng kiến mức giảm mạnh của lãi suất tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh, lên đến 0,47%/năm.
Kể từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn đã giảm rất sâu, có kỳ hạn giảm tới 2,5%/năm. Thậm chí, sau quyết định giảm trần lãi suất tiền của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã dồn dập cắt giảm lãi suất.
Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng chỉ còn ở mức 3%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm cũng thấp kỷ lục.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, gần 70% doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng là cho vay qua đêm. Thế nhưng, lãi suất cho vay qua đêm cả tháng qua chỉ xoay quanh 0,1%, thấp nhất trong lịch sử. Mức lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tại Việt Nam đang xấp xỉ lãi suất cho vay qua đêm tại Mỹ (hiện là 0,8%). Thậm chí, trong tháng 10, có thời điểm lãi suất cho vay qua đêm tại Việt Nam thấp hơn cả tại thị trường Mỹ.
Giới chuyên gia cho hay, đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trên thị trường lãi suất tại Việt Nam, chứng tỏ các ngân hàng đang rất thừa tiền.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, việc các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất hiện nay nhìn nhận là động thái duy trì tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) phù hợp trong bối cảnh phải cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Để tăng khả năng cạnh tranh trong hoạt động cho vay trên thị trường các tháng cuối năm, hiện nay các ngân hàng đã giảm lãi suất các gói vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Mới nhất có Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay VND đối với toàn bộ dư nợ cho vay hiện hữu và cho vay mới, với tổng dư nợ 50.000 tỷ đồng, thời gian áp dụng từ từ 12/11/2020 đến 12/2/2021.
Dù lãi suất huy động giảm sâu chưa từng có nhưng dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng. Thống kê gần 30 ngân hàng thương mại cho thấy, huy động khách hàng của các ngân hàng này tăng trưởng gần 8% so với đầu năm. Riêng 3 "ông lớn" quốc doanh là Vietcombank, BIDV và VietinBank chiếm tới 48,8% tiền gửi trong tổng tiền gửi của các ngân hàng.