Tiền “rẻ” chưa từng có, dân Việt đổ xô đầu tư chứng khoán

Mai Chi

(Dân trí) - Nguồn tiền dồi dào khiến lãi suất huy động các ngân hàng liên tục xuống thấp trong thời gian qua. Nhà đầu tư cá nhân trong nước đã dùng tiền nhàn rỗi tăng đầu tư vào chứng khoán.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tại bản tin trái phiếu mới phát hành, trong tuần từ 2/11 đến 6/11, tổng lượng tín phiếu đang lưu hành tiếp tục duy trì ở mức 0 trong tháng thứ 5 liên tiếp, trong khi tổng lượng OMO (nghiệp vụ thị trường mở) đang lưu hành cũng duy trì ở mức 0 trong tháng thứ 7 liên tiếp.

BVSC đánh giá, với thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều khả năng sẽ tiếp tục không can thiệp hoạt động thị trường mở trong thời gian tới.

Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất ở các kỳ hạn mặc dù đã có diễn biến tăng nhẹ trở lại, nhưng vẫn ở mức thấp.

Tiền “rẻ” chưa từng có, dân Việt đổ xô đầu tư chứng khoán - 1

Thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào (ảnh minh hoạ: Bloomberg)

Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần lần lượt tăng 0,02%; 0,09% và 0,01% lần lượt lên mức 0,12%/năm; 0,15%/năm và 0,31%/năm. Tuy nhiên, với việc thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái dư thừa, BVSC cho rằng lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn duy trì ở mức thấp (dưới 1 /năm) trong quý cuối năm.

Trong tuần trước đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và 2 tuần được cho biết là đã chạm đáy thấp nhất trong vòng 2 năm vừa qua.

Cùng với tình trạng “ế” tiền trong ngân hàng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của nhiều ngân hàng trong thời gian vừa qua cũng đang có xu hướng giảm.

Trong nhóm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, Agribank tiếp tục không huy động tiền gửi tại kỳ hạn 36 tháng.

Ở kỳ hạn này, VietinBank và BIDV cùng quy định chung mức lãi suất tiền gửi là 5,8%/năm; Vietcombank niêm yết lãi suất là 5,6%/năm. Nhìn chung, cả 3 ngân hàng này đều điều chỉnh giảm 0,2 điểm% lãi suất so với đầu tháng 10.

Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ ở mức 8 - 10%.

Thanh khoản dư thừa khiến lãi suất liên ngân hàng, lợi suất trái phiếu kho bạc xuống thấp nhất nhiều năm qua.

Thanh khoản hệ thống trong 9 tháng đầu năm 2020 dồi dào, với mức chênh lệch phần tăng thêm M2 và tín dụng luôn duy trì ở mức cao. Diễn biến này chủ yếu là do dịch bệnh, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh, khiến cầu tín dụng giảm rõ rệt.

Các chuyên gia phân tích KBSV đánh giá, mặt bằng lãi suất huy động đã liên tục giảm mạnh từ sau lần cắt lãi suất điều hành vào tháng 5/2020. Lãi suất huy động ở mức thấp và trong xu hướng giảm xuất phát từ hai nguyên nhân.

Thứ nhất, thanh khoản hệ thống duy trì ở trạng thái dư thừa khi nguồn cung dồi dào (NHNN mua vào ngoại tệ, huy động vốn 9 tháng tăng khá ở mức 7,7%), trong khi phía cầu chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc (tín dụng 9 tháng chỉ tăng 5,12%).

Thứ hai, áp lực giảm lãi suất huy động để duy trì tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) phù hợp trong bối cảnh ngân hàng phải cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tóm lại, tiền “rẻ” đang rất dồi dào và kênh gửi tiết kiệm để lấy lãi đang trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư có nguồn vốn nhà rỗi.

Đây có thể là một phần nguyên nhân khiến số lượng nhà đầu tư F0 (lần đầu gia nhập) trên thị trường chứng khoán tăng nhanh. So với tiết kiệm và những kênh đầu tư khác thì chứng khoán vẫn đang là một kênh đầu tư khá hiệu quả.

Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho thấy, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước ở tháng 10 tiếp tục tăng so với tháng 9 và đạt 36.451 tài khoản (tăng 16%). Đây cũng là tháng có lượng tài khoản mở mới lớn nhất trong vòng 6 tháng qua. 

Tổng số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước tính đến hết 31/10 là hơn 2,63 triệu tài khoản. Riêng nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 36.346 tài khoản, tăng 5.006 tài khoản so với tháng 9. 

Lũy kế đến hết tháng 10, nhà đầu tư cá nhân đã mở 288.372 tài khoản, cao gấp rưỡi lượng mở mới của cả năm 2019 (187.825 tài khoản).

Nhờ đó, thị trường chứng khoán đã được hỗ trợ đáng kể cả về giá và thanh khoản. Tại thời điểm cuối tháng 10, VN-Index tăng 20,26 điểm so với tháng 9, đạt 925,47 điểm còn HNX-Index cũng tăng 2,41 điểm lên 135,34 điểm; UPCoM-Index tăng 1,12 điểm lên 62,85 điểm.

Thanh khoản thị trường trong tháng 10 tăng mạnh với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 11,2 tỷ cổ phiếu (tăng 20% so với tháng 9), tương ứng giá trị giao dịch 211.410 tỷ đồng (tăng 29%). Riêng sàn HSX, khối lượng giao dịch tăng 23% lên 9,07 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng tăng 30% lên 181.138 tỷ đồng.