1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Điện, xăng tăng giá: Nhiều ngành khó

Điện, xăng tăng giá song doanh nghiệp chưa thể tăng giá sản phẩm theo, phải chấp nhận giảm lợi nhuận, cố gắng cầm cự.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Tình hình sức mua trong năm qua ì ạch. Dịp tết vừa rồi dù sức mua có phần tăng trưởng, song nhìn chung thị trường vẫn chưa có gì khởi sắc. Điều này đã được các doanh nghiệp (DN) dự báo và hy vọng trong năm tới tình hình khả quan hơn. Tuy nhiên, giá xăng vừa tăng cùng giá điện sẽ tăng vào ngày 16-3 như cú sốc với DN. Chi phí đầu vào tăng theo giá xăng, điện nhưng DN không dám tăng giá.

Chi phí tăng chóng mặt

“Mặc dù giá xăng, dầu giảm liên tục trong nửa năm 2014 nhưng qua đến năm 2015, một số nguyên liệu đầu vào mới giảm một chút, còn các chi phí khác đều đứng yên. DN, người tiêu dùng chưa kịp mừng thì giá xăng lại tăng cùng với giá điện sẽ tăng (gần 10%). Các chi phí sản xuất của DN tăng, sức mua thị trường thấp, cạnh tranh nhiều, DN sẽ rất khó khăn” - ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Minh Long Hưng, chia sẻ.

Theo ông Sinh, chi phí xăng dầu, điện của công ty một tháng khoảng 130 triệu đồng, nếu giá điện tăng thêm thì chi phí đội lên khoảng 150 triệu đồng. “Năm 2015, công ty muốn tồn tại phải đầu tư nhiều. Mà đầu tư phải vay vốn, lãi suất dài hạn 9%-13%/năm đâu có dễ vay. Tôi chỉ lo tuần sau khi nhập lô hàng nguyên phụ liệu mới vào giá sẽ nhảy lên” - ông Sinh lo lắng dự báo.

Điện, xăng tăng giá: Nhiều ngành khó
“Giá đường nhích lên 1.000 đồng/kg là đã khó bán rồi, giờ xăng, điện tăng giá nữa, hàng hóa sẽ tăng giá theo, buôn bán càng khó xoay trở” - chị Quỳnh Như, quầy chạp phô chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), lo lắng. Ảnh: TÚ UYÊN

Còn bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, cho biết đối với ngành đông lạnh, sử dụng điện nhiều nên giá điện tăng, chi phí đội lên cả 100 triệu đồng, cả năm ngốn thêm 1,2 tỉ đồng. Chưa kể các vật tư, nguyên liệu khác cũng sẽ tăng giá theo trong nay mai.

Trong khi đó, ghi nhận tại một số chợ cho thấy các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, nước tương, bột nêm… giá vẫn ổn định. “Buôn bán rất khó khăn, khách đến chợ mua sắm thưa thớt. Giá xăng tăng thì trước sau gì hàng hóa cũng tăng nên càng khó buôn bán hơn” - chị Quỳnh Như, tiểu thương quầy chạp phô chợ Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), than.

Rau củ quả giá tăng nhẹ. Đậu cô ve 30.000 đồng/kg, bông cải xanh Đà Lạt 45.000 đồng/kg, bí 18.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết những mặt hàng này phụ thuộc vào thời tiết, nguồn hàng, giá xăng không ảnh hưởng nhiều đến giá thành.

Cắn răng không tăng giá

Ông Dương Duy Việt, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Nhật Tiến (sản xuất bao bì nhựa), cho biết do giá nguyên liệu trong năm qua giảm 20%, trước tết công ty đã hạ giá sản phẩm với mức giảm tương đương. Điện, xăng tăng nhưng công ty không thể tăng giá sản phẩm liền khi vừa thực hiện chương trình giảm giá.

Theo ông Việt, chờ một, hai tháng sau khi nhập hàng mới vào xem thử giá có tăng không thì lúc đó mới tính toán được. Thường giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 5%-10%, giá thành cũng tăng 10%.

Bà Lâm cho rằng DN phải tìm cách giảm giá, kích cầu sức mua chứ chuyện tăng giá sau tết thường không ai làm. Muốn tăng giá phải cân nhắc kỹ, chờ nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển… có tăng hay không.

Cùng ý kiến trên, ông Đỗ Phan Thanh Bảo, Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Thực phẩm và Nước giải khát Dona Newtower, cho hay khi nào giá điện chính thức tăng thì DN sẽ có kế hoạch.

Ông Bảo thông tin thêm, nếu DN nào trong năm 2014 đã tăng giá sản phẩm thì đợt này chưa tăng được (công ty đã tăng giá 7%-15% giữa năm 2014 do chi phí cước vận tải tăng). Đến cuối năm 2015 mới tính đến chuyện tăng giá.

Ông Lương Vạn Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Mỹ Hảo, cho rằng hiện hàng hóa các nước tràn vào, người dân cũng chuộng hàng ngoại hơn. Sản phẩm tương đương hàng ngoại, nếu giá của mình cao hơn dù chỉ 1.000 đồng cũng không dễ bán. Do vậy điện, xăng tăng DN cũng không dám và chưa thể tăng giá được, phải chấp nhận giảm lợi nhuận, cố gắng cầm cự đến một lúc nào đó không chịu được nữa mới tính tiếp.

Một số DN lo ngại làm sao để DN Việt tồn tại, phát triển mạnh lên chứ dưới sức ép cạnh tranh, nếu không chịu nổi DN Việt sẽ bán hết cho các tập đoàn nước ngoài.
 
Theo Tú Uyên
Pháp Luật TPHCM
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm