Điện tử nội bên vực phá sản

Một loạt "đại gia" trong làng lắp ráp, sản xuất điện tử như Samsung, Sony, JVC, Toshiba, VTB... đã gửi kiến nghị lên các bộ, ngành trung ương kêu cứu và báo động sẽ "phá sản", nếu những bộ, ngành không sớm cải thiện một số bất cập về thuế, môi trường đầu tư trong lĩnh vực này.

Thuế ta hại... mình!

Hiện nay, thuế nhập khẩu (NK) đánh vào linh kiện điện tử (ĐT) có nhiều bất cập. Thí dụ: Một chiếc loa nhỏ dùng cho tivi hay radio, giá thị trường khoảng 0,30USD/chiếc; trong khi quy định giá tối thiểu tính thuế NK lại bằng 60% giá tối thiểu của thùng loa công suất dưới 5W (7USD/thùng) và bằng 4,20USD/chiếc (gấp 14 lần giá thực tế), vì trong quy định không có mức giá cho loa nhỏ (?).

Đèn hình tivi màu phẳng trong nước chưa sản xuất được, nên phải NK. Giá thị trường ở các nước trong khu vực của đèn 21' là 60 - 75USD/chiếc; trong khi ở VN, giá tối thiểu được tính bằng 30% giá tivi nguyên chiếc cùng loại là 444USD, nghĩa là mức thuế phải đóng là 133,20USD (cao gấp 2 lần giá thực tế) v.v...

Việc áp giá tính thuế theo hợp đồng ngoại thương cũng chưa hợp lý, vì bảng giá tối thiểu không theo kịp tốc độ giảm giá của các mặt hàng ĐT, dẫn tới không phù hợp với giá thị trường khu vực và thế giới.

Do đó, khi NK, DNĐT thường bị tính thuế NK cao gấp nhiều lần so với giá mua thực tế. Ngoài ra, thuế lợi tức của DN quốc doanh là 32%, các Cty liên doanh chỉ 23%. Vì thế, các DN trong nước rất khó cạnh tranh ngay trong nước.

Trong lúc đó, khi lộ trình giảm thuế CEPT/AFTA được thực hiện trong toàn khối ASEAN, thì mức thuế CEPT/AFTA lại thấp hơn so với MFN (thuế tối huệ quốc) từ 5 -10%. Và như vậy, khi NK những linh kiện ĐT, DNĐT Việt Nam phải chịu mức thuế MFN cao hơn mức thuế CEPT/AFTA của DNĐT khác trong khối ASEAN.

Đâu là giải pháp?

Ông  Bùi Quang Độ - Chủ tịch Hiệp hội DNĐT Việt Nam - cho rằng: "Công nghiệp ĐT của VN chủ yếu lắp ráp là chính, tỉ trọng giá trị NK trong mỗi sản phẩm lớn, do đó, khi lộ trình cắt giảm thuế quan theo CEPT/AFTA vào giai đoạn nhạy cảm, các DNĐT Việt Nam sẽ chịu những tác động nặng nề.

Theo cam kết năm 2003, VN phải giảm thuế NK nhiều mặt hàng ĐT nguyên chiếc từ 40%-50% xuống còn 20% (năm 2004), còn 10% (năm 2005) và tương lai chỉ còn từ 0% - 5%. Với các nước ASEAN có một nền công nghiệp ĐT rất hùng mạnh, cuộc cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt trên chính thị trường VN. Nếu chúng ta không có giải pháp, các DNĐT trong nước khó bề tồn tại để hội nhập.

Ngược lại, VN có thể sẽ trở thành thị trường độc quyền của các hãng ĐT nước ngoài. Không khéo, những DN liên doanh, hay 100% nước ngoài thuộc các hãng ĐT nổi tiếng sẽ chấm dứt sản xuất mà chuyển hẳn sang kinh doanh thành phẩm NK mang nhãn hiệu của chính hãng sản xuất trong khu vực".

Bởi vậy, nhiều nhà sản xuất ĐT đã kiến nghị Nhà nước có chính sách thuế NK phụ tùng linh kiện ĐT hợp lý, để khuyến khích các DN trong nước phát triển sản xuất. Muốn vậy, Nhà nước phải giảm thuế NK cho những linh kiện ĐT chủ yếu như: Đèn hình, loa, bo mạch... Cần duy trì mức thuế MFN và CEPT/AFTA cho mặt hàng đèn hình là 10% và 0%.

Hay một số linh kiện khác cũng cần áp 2 mức thuế trên trong khoảng hợp lý như: Cuộn biến áp (3%  và 0%), loa (3% và 0%), tụ điện (0% và 0%)... Tóm lại, nhiều DN mong mỏi điều chỉnh mức thuế MFN ngang bằng mức thuế CEPT/AFTA.

Theo Trúc Giang
Báo Lao động