Điện tăng giá, doanh nghiệp loay hoay, người tiêu dùng chịu thiệt

Là một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất, việc tăng giá điện bình quân 7,6%, trong đó tăng giá giờ cao điểm lên 20% khiến các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất rất băn khoăn tìm giải pháp tiết kiệm điện. Giải pháp đâu chưa thấy nhưng họ đều khẳng định, tăng chi phí sản xuất thì chỉ… “chết” người tiêu dùng!

Doanh nghiệp loay hoay tìm giải pháp…

 

Tuỳ thuộc vào lĩnh vực sản xuất khác nhau mà có mức tiêu thụ điện không như nhau. Ngoại trừ các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn của việc tăng giá điện như xi măng, sắt thép, hoá chất…, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất vừa và nhỏ khác cũng đang loay hoay mà vẫn chưa tìm được một hướng khả thi nào trong việc tiết kiệm điện giờ cao điểm, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường.

 

Ông Vũ Quốc Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy Tạ cho biết: “Hiện chúng tôi chưa có giải pháp nào khắc phục cả. Không thể chuyển sản xuất sang các giờ thấp điểm bởi làm như vậy liên quan đến rất nhiều vấn đề. Người lao động, đứng về mặt sinh học, đang đi làm bình thường, lại chuyển sang làm đêm là điều không đơn giản chút nào. Lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm là điều đương nhiên nhưng giá tăng thì chung quy lại, chỉ “chết” cho người tiêu dùng thôi”.

 

Còn theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Da giày Hà Nội, “Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện sản xuất vào giờ cao điểm lên 20% thì doanh nghiệp chuyển sản xuất vào những giờ thấp điểm hơn. Được biết, một khu sản xuất ở Hải Phòng, vào giờ cao điểm, họ dùng máy phát, giảm sản xuất bằng cách tập trung làm những khâu lắp ráp, làm thủ công… giảm tần suất của máy móc, làm sao để tiêu thụ điện ít nhất.

 

Nhưng theo tôi, như vậy không hề đơn giản vì nó còn liên quan đến các vấn đề khác. Giảm được cái này nhưng lại tăng cái kia. Đây là 1 bài toán kinh tế khó khăn mà chúng tôi đang phải đối mặt”.

 

Khó có thể đưa ra một giải pháp thực sự khả thi, một số doanh nghiệp tập trung tuyên truyền và vận động công nhân có ý thức sử dụng điện hợp lý. Nhưng theo họ, đây chỉ là biện pháp tạm thời.

 

“Không thể dừng sản xuất vào giờ cao điểm, chúng tôi chú trọng đôn đốc ý thức của cho từng người lao động trong việc vận hành máy móc, sử dụng điện hiệu quả, hợp lý nhất”- là khẳng định của chị Thuý Quyên, Công ty cổ phần Thực phẩm Sannam, chuyên sản xuất hoa quả sấy khô.

 

Cũng theo chị Quyên, giá điện tăng dưới 10% thì giá thành sản xuất của công ty chị tăng 1% còn giá điện tăng trên 10% thì giá thành sản xuất tăng lên 1,5%. Tuy nhiên để đảm bảo cạnh tranh, “từ giờ đến Tết, chúng tôi không điều chỉnh giá mới mà vẫn duy trì giá bán cũ cho người tiêu dùng”, chị Quyên cho biết.

 

Người tiêu dùng chịu thiệt

 

Là chủ một xưởng mộc, với 20 năm trong nghề ở số 15, Hạ Đình, Hà Nội anh Phụng Văn Công, cho việc tăng giá điện là vấn đề của cả xã hội, ảnh hưởng nhiều đến các ngành công nghiệp nặng, còn đối với những người sản xuất nhỏ như anh, mỗi tháng hết 1 triệu tiền điện thì cũng không ảnh hưởng nhiều lắm.

 

Nhưng anh nhấn mạnh: “Điều tôi quan tâm là các cơ quan có thẩm quyền phải so sánh, đánh giá được giá điện Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực để biết được ta đang ở mức nào. Nếu như ở các nước trên, kinh tế của họ rất cao, lấy đồng USD làm chuẩn, thì giá điện của ta không thể bì được với họ. Đã kinh doanh, ai chẳng muốn nâng giá nhưng cuối cùng là người dân, người tiêu dùng chịu thiệt”.

 

Cũng giống với ý kiến cho rằng, người tiêu dùng thiệt thòi nhiều nhất, ông Nguyễn Khắc Thịnh, chủ một nhà trọ tại quận Thanh Xuân, nói: “Nhà tôi có khoảng 20 phòng cho thuê. Khách trọ chủ yếu là sinh viên của các trường đại học. Việc tăng giá điện lần này ảnh hưởng trực tiếp đến những người thuê nhà vì họ phải chịu tiền điện giá cao”.

 

Ông Thịnh kể, hiện tại tính cả tiền điện giá cao và 1 số thất thoát, chúng tôi thu của khách trọ là 1.550 đồng/số điện. Khi nghe đài báo nói giá điện sinh hoạt bậc thang sẽ tăng cao, nhiều sinh viên đã rất lo lắng và kêu với chủ nhà trọ. Một vài sinh viên muốn nối mạng Internet để học tập cũng đành chịu vì không kham nổi tiền điện. Chúng tôi cũng chỉ biết nhắc nhở khách trọ cố gắng tiết kiệm bằng cách tắt các bóng điện hành lang khi không sử dụng…

 

Giá điện Việt Nam sẽ ngang bằng với các nước trong khu vực

 

Ông Sachio Kageyama - Tổng Giám đốc Canon Việt Nam cho biết, theo tham khảo báo cáo về giá điện ở các nước trong khu vực châu Á của Jetro (Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản), dựa trên hiệu lực của hợp đồng và mức sử dụng thì hiện nay giá điện áp dụng cho sản xuất kinh doanh ở Việt Nam đang ở mức ngang bằng với các thành phố Batam (Indonesia), Dhaka (Bangladesh) và thấp hơn khoảng 10% so với các thành phố ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

Nếu Việt Nam tăng giá điện giờ cao điểm với sản xuất lên 20% thì sẽ làm giá điện bình quân với sản xuất tăng thêm 4%. Với mức tăng thêm này thì giá điện Việt Nam sẽ tăng vượt các thành phố Batam, Dhaka đồng thời ngang bằng hoặc xấp xỉ với một số thành phố tại Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

 

Giá điện dành cho sản xuất tăng bình quân 4% sẽ làm đội cao lên chi phí sản xuất, gây ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của Canon và không chỉ Canon Việt Nam mà còn rất nhiều các nhà cung cấp của chúng tôi cũng sẽ gặp phải vấn đề tương tự.

 

Theo T.Thuỷ-N.Nga

Vietnamnet