Điểm danh những tập đoàn, tổng công ty nhà nước nợ khủng
Bộ Tài chính vừa có báo cáo về nợ trong, ngoài nước của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước (tổng Cty). Theo đó, nhiều tập đoàn, Tổng Cty đang nợ đầm đìa.
Đại gia và nợ khủng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 31/12/2011, tình hình nợ phải trả (gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài) của nhiều tập đoàn, tổng Cty ở mức khá cao.
Cụ thể, năm 2011, tổng số nợ phải trả của tập đoàn kinh tế, tổng Cty lên tới 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Hệ số nợ phải trả trên vốn sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần.
Về tổng tài sản trên tổng nợ phải trả, số liệu báo cáo hợp nhất, bình quân năm 2011 là 1,62 lần. Điều này cho thấy các tập đoàn, tổng Cty đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay dẫn đến chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp.
Một số tập đoàn, tổng Cty có nợ quá hạn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ quá hạn 10.149 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nợ quá hạn 1.731 tỷ đồng (nợ của công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất – nhận bàn giao từ Vinashin); Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam nợ quá hạn 467 tỷ đồng, Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 8 nợ quá hạn 128 tỷ đồng, còn Tổng Cty Rau Quả nông sản nợ quá hạn 30 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo của công ty mẹ các đơn vị, tổng số nợ phải trả là hơn 6.06 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2010.
Nợ nước ngoài của Cty mẹ là 142.853 tỷ đồng, bằng 23,5% tổng nợ phải trả, tăng 14% so với năm 2010. Một số Cty mẹ nợ nước ngoài lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 99.260 tỷ đồng, do vay đầu tư nhà máy điện; Tổng Cty Hàng không Việt Nam nợ 24.027 tỷ đồng do vay đầu tư mua máy bay mới. Đáng chú ý, có 18 công ty mẹ, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó có 5 công ty mẹ trên 10 lần, 5 công ty mẹ từ 5-10 lần, có 8 công ty mẹ từ 3-5 lần.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành, các tập đoàn, tổng Cty có thể có 3 loại hình đi vay: Tự vay tự trả, vay có bảo lãnh của Chính phủ và vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Đối với loại hình thứ nhất, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trả nợ, ngân sách nhà nước không ứng và không trả thay. Với 2 loại hình còn lại, các tập đoàn, tổng Cty cũng tự chịu trách nhiệm trả nợ. Nhưng theo quy định của Luật Quản lý Nợ công, trong trường hợp các doanh nghiệp gặp khó khăn, Bộ Tài chính sẽ ứng tiền từ Quỹ Tích lũy Trả nợ để trả thay, không lấy từ ngân sách hàng năm.
Các doanh nghiệp phải nhận nợ bắt buộc và có trách nhiệm hoàn trả dần số tiền được ứng cho quỹ. “Cho đến nay, Quỹ Tích lũy Trả nợ đang ứng trả nợ thay cho 4 doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh vay và đang gặp khó khăn trong việc trả nợ với tổng số tiền 109,7 triệu USD”- đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Siết quản lý nợ nước ngoài
Liên quan đến quản lý nợ công và giảm bội chi ngân sách nhà nước, trả lời đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, đến 31-12-2011, số dư nợ công bằng 54,9% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 43,2% GDP. Ước tính đến cuối năm 2012, số dư nợ công bằng 55,4% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 43,1%GDP.
Để quản lý nợ công đảm bảo an toàn, bền vững, Bộ Tài chính đã thực hiện quản lý chặt việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để phát sinh nợ quá hạn.
Bộ cũng tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị sử dụng vốn vay, theo dõi chặt khả năng trả nợ của từng dự án đầu tư, từng đơn vị cũng như thanh tra các dự án vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh gặp khó khăn để kiến nghị các giải pháp xử lý phù hợp.
Cũng theo Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát chính sách, chế độ hiện hành về quản lý để báo cáo Chính phủ, theo hướng tăng cường chế tài xử lý vi phạm và trách nhiệm của người được bảo lãnh, cơ chế quản lý tài sản đảm bảo trong các chương trình, dự án.
Xét từng tập đoàn kinh tế, tổng Cty nhà nước, có 30 đơn vị với tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó, có 8 tập đoàn, tổng Cty trên 10 lần. Mười tập đoàn, tổng Cty từ 5-10 lần, 12 tập đoàn, tổng Cty từ 3-5 lần.
Theo Phạm Tuyên
Tiền Phong