1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dịch vụ điện thoại trên máy bay của VinaPhone: Có lo ngại về an ninh hàng không?

(Dân trí) - Với những hành khách đi máy bay quá quen thuộc với quy định của hãng vận chuyển là phải tắt thiết bị thu phát tín hiệu để đảm bảo an ninh an toàn, dịch vụ sử dụng điện thoại trên máy bay mà VinaPhone vừa công bố áp dụng đang khiến họ lo ngại.

Theo thông báo của VinaPhone, từ 1/7 nhà mạng này sẽ cung cấp dịch vụ cho khách hàng sử dụng khi đang bay trên một số đường bay quốc tế (của các hãng bay nước ngoài), cho phép thuê bao trả sau gọi điện thoại, nhắn tin trên máy bay.

Theo đó, ngoài thời gian máy bay cất và hạ cánh, trong hành trình hành khách có thể mở thể mở máy điện thoại di động và sử dụng bình thường trên các chuyến bay có dịch vụ chuyển vùng quốc tế này.
Dịch vụ điện thoại trên máy bay của VinaPhone: Có lo ngại về an ninh hàng không?

Việc sử dụng điện thoại trên máy bay hiện chưa được nhiều hãng áp dụng và vẫn gây lo ngại về an ninh hàng không (Ảnh minh họa)

Trả lời câu hỏi của PV quanh lo ngại về an toàn bay và những nghiên cứu (nếu có) để đảm bảo an ninh hàng không đối với dịch vụ này, VinaPhone không đưa ra một khẳng định cụ thể. Thay vào đó, nhà mạng dẫn chứng về 2 nhà cung cấp dịch vụ thoại, SMS, GPRS trên máy bay là AeroMobile (Norway) và OnAir (Switzerland) đã triển khai. Vì vậy nhà mạng này cho rằng tính an toàn của dịch vụ là điều không cần phải lo lắng.

Về mặt kỹ thuật VinaPhone cho hay nhà cung cấp dịch vụ sẽ phối hợp với hãng hàng không đặt 1 thiết bị tương tự như 1 trạm thu phát sóng dưới mặt đất trên máy bay. Thiết bị này sẽ truyền/nhận thông tin tới các vệ tinh để giúp khách hàng có thể liên lạc với các nhà mạng dưới mặt đất, đảm bảo liên lạc và truyền dữ liệu thông suốt.

Trên thực tế, các hãng hàng không mà VinaPhone hợp tác để triển khai dịch vụ này là của nước ngoài và bay đi quốc tế, nhưng điểm khởi hành là từ Việt Nam.

Theo Cục Hàng không Việt Nam: để được sử dụng ĐTDĐ trên máy bay thì bắt buộc phải có sự hạn chế tối đa về ảnh hưởng từ thiết bị thu phát sóng đối với máy bay và an toàn mạng bay, phải được nhà sản xuất tàu bay chấp thuận và sự đồng ý của Cục hàng không các nước có hãng bay khai thác.

Được biết, đến nay chưa có hãng hàng không trong nước nào đăng ký sử dụng dịch vụ này của VinaPhone. Thậm chí, đối với Vietnam Airlines, hãng này còn có quy định rõ ràng về việc tắt điện thoại di động, máy nhắn tin và các thiết bị thu phát tín hiệu suốt chiều dài chuyến bay vì lo ngại các thiết bị này có thể gây nhiễu sóng thiết bị dẫn đường của máy bay.

Trên thế giới, luật hàng không nhiều nước có quy định cấm sử dụng điện thoại trên máy bay. Đã từng có sự cố được phát hiện kịp thời khi một phi công của hãng hàng không Air China để ý và thấy trước khi tới Bắc Kinh máy bay bị lệch 30° khỏi đường bay, khi tìm kiếm nguyên nhân thì người ta xác định được rằng một hành khách vẫn để ĐTDĐ mở.

Tại Việt Nam, lịch sử hàng không chưa từng ghi nhận tiền lệ áp dụng dịch vụ cho phép hành khách sử dụng ĐTDĐ trên máy bay. Theo Nghị định 60/2010/NĐ-CP của Chính phủ, khách hàng sử dụng các thiết bị điện tử, thu phát sóng trên tàu bay khi không được phép sẽ bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng. Mức phạt này cao gấp 10 lần nếu đối tượng vi phạm là thành viên tổ bay.

Theo Popular Mechanics, trong bài phân tích về việc có hay không ảnh hưởng của điện thoại tới các chuyến bay, dẫn lời ông Jerrold Sandors - Quản lý Đội kỹ sư về Nghiên cứu Quang phổ tại Cục Quản lý bay Liên bang, Mỹ (FAA) nói rằng máy bay luôn phải bay qua một biển những sóng radio dày đặc. Nếu có sóng radio hiện diện khi máy bay ở gần các nhà cao tầng hoặc ăng-ten trên mặt đất, thật khó dám tưởng tượng được điều gì có thể xảy ra khi các thiết bị liên lạc và định vị bị nhiễu.

Cũng trang này dẫn Phân tích về mối nguy hiểm của điện thoại di động đối với máy bay, theo đó Jay Apt - một giáo sư về kỹ thuật và chính sách cộng đồng tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) cho biết: Một khi bạn bật nguồn điện thoại lên, nó sẽ phát ra một mức độ sóng cực mạnh để dò tìm trạm thu phát sóng (BTS) gần đó. Có thể hiểu đơn giản, ĐTDĐ sẽ “hét” lên: “Có nghe tôi rõ không” Và nếu kết nối được, trạm phát sóng sẽ trả lời “Ok, nghe rõ!”, như vậy chúng đã kết nối với nhau.

Cũng theo Jay Apt, một khi kết nối được thiết lập, điện thoại sẽ giảm bớt độ mạnh của sóng. Nhưng khi kết nối yếu đi, điện thoại sẽ phát sóng mạnh hơn để bắt được tín hiệu tốt hơn. Quá trình này được lặp đi lặp lại liên tục, và mặc dù chúng ta chỉ để không điện thoại, không gọi hay nhắn tin gì cả, việc này vẫn liên tục diễn ra giữa nó và trạm thu phát sóng.

Năm 2003, Apt cùng các cộng sự đã bí mật tiến hành điều tra về quang phổ tần số vô tuyến trên các chuyến bay trong vòng 3 tháng. Kết quả cho thấy sóng vô tuyến vẫn phát ra trên các điện thoại đang mở trong các chuyến bay. Các kết quả này, mặc dù vậy, không chứng minh được mối liên quan trực tiếp tới một lỗi nào được gây ra đối với tàu bay.

 

Không khẳng định mối đe dọa trực tiếp từ việc sử dụng điện thoại di động đối với các lỗi thiết bị (trên các chuyến bay - PV), nhưng ông Apt cảnh báo: "Đừng bao giờ đánh mất quan niệm việc sử dụng điện thoại di động có thể dẫn tới rơi máy bay. Có thể nguy cơ tai nạn do việc gây nhiễu sóng từ điện thoại di động là thấp, nhưng có rất nhiều chuyến bay mỗi ngày. Nếu một thập kỷ chứng kiến một vụ rơi máy bay chở 150 hành khách thì vẫn là quá nhiều".

Quỳnh Anh 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm