Dịch Covid-19 trở lại: Chủ quán kiệt sức, "ốm đòn" với khoản vay vốn làm ăn

An Chi

(Dân trí) - Dịch Covid-19 trở lại khiến nhiều quán hàng tiếp tục rơi vào cảnh kiệt sức, "ốm đòn" khi không đủ tài chính để duy trì quán và trả nổi khoản vay vốn làm ăn.

Gần 1 tuần nay, chị Thảo - chủ một quán cà phê ở Hà Nội lo mất ăn mất ngủ với khoản vay vốn ngân hàng để đầu tư kinh doanh. Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, chị cho đóng cửa quán từ ngày 16/2 để thực hiện việc phòng chống dịch Covid-19. Đồng nghĩa với việc, 1 tuần qua, quán chị không có doanh thu, chủ và nhân viên phải nghỉ việc tạm thời.

"Do quán có diện tích rộng nên tiền thuê mặt bằng mỗi tháng là 25 triệu đồng, một con số khá lớn trong mùa dịch Covid-19. Nếu cứ đà này, tôi khéo phải trả lại mặt bằng, đóng cửa quán vì không chịu nổi áp lực" - chị kể.

Dịch Covid-19 trở lại: Chủ quán kiệt sức, ốm đòn với khoản vay vốn làm ăn - 1

Nhiều quán hàng ở Hà Nội đóng cửa tạm thời để phòng dịch Covid-19.

Chị Thảo cho biết, chị mới mở quán được 2 năm thì liên tiếp gặp dịch Covid-19. Trong đó, tiền đầu tư quán, mua sắm trang thiết bị một nửa là vay ngân hàng, giờ vẫn chưa trả nợ xong.

"Mỗi ngày, tôi đều nhận được các cuộc điện thoại của khách là bao giờ quán mở lại, quán có bán mang về hay không mà sốt hết cả ruột. Bởi chúng tôi cũng đã tính rồi, nếu mở bán mang về, lượng khách phải đều, chứ không tiền điện, tiền trả lương nhân viên cũng quá tội. Thế thôi, giờ quán cứ nằm im, đợi dịch lắng xuống rồi tính tiếp" - chị buồn rầu nói.

Dịch Covid-19 trở lại: Chủ quán kiệt sức, ốm đòn với khoản vay vốn làm ăn - 2

Nhân viên quán chỉ biết ngồi chơi, bấm điện thoại cho qua ngày.

Nằm trên con phố ẩm thực nổi tiếng ở Hà Nội, dù không thuộc diện tạm dừng hoạt động nhưng anh Huy, chủ quán gà rang muối vẫn cửa đóng then cài. Theo quy định, nếu anh mở quán phải đảm bảo việc giãn cách, dựng vách ngăn. Trong khi đó, nguồn lực để duy trì quán anh hiện giờ không còn nhiều, nên giờ phải ưu tiên cho chi phí mặt bằng.

"Quán tôi có 2 tầng với tổng diện tích là 120m2, giá thuê hàng tháng là 30 triệu đồng, từ ngày có dịch thì chủ nhà bớt cho 3 triệu đồng còn 27 triệu đồng. Theo tính toán, với số tiền hiện có, chúng tôi sẽ chỉ kháng cự tốt trong vòng 3 tháng, lâu hơn không biết sẽ ra sao" - anh chia sẻ.

Dịch Covid-19 trở lại: Chủ quán kiệt sức, ốm đòn với khoản vay vốn làm ăn - 3

Con phố nhộn nhịp Đê La Thành (Hà Nội) giờ trở nên vắng lặng.

Anh Huy cho biết, kinh doanh ăn uống không hề đơn giản, bởi thực phẩm phải tươi nhập hàng ngày, nhân sự chạy liên tục, nếu khách vắng thì doanh thu không đủ để bù lỗ. Hơn nữa, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, xu hướng nấu ăn ở nhà tăng cao khiến các hàng quán cũng rơi vào vòng xoáy ế ẩm.

Tương tự, chị Lan, chủ shop quần áo trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cũng chuẩn bị phương án trả lại cửa hàng đang thuê, chỉ tập trung bán online do không kham nổi chi phí thuê mặt bằng. 

"Đối tượng khách hàng shop tôi hướng đến là các bạn học sinh, sinh viên. Giờ các trường chưa đi học trở lại nên chúng tôi làm gì có khách. Nên chắc chúng tôi phải tính đến việc sang nhượng cửa hàng hoặc chuyển sang bán online gỡ gạc chút vốn, sống sót qua giai đoạn này đã" - chị tâm sự.