Dịch Covid-19: Siêu thị bán hàng qua điện thoại, trực tuyến tăng gấp ...10 lần
Dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp đã tạo ra những thay đổi trong việc mua sắm của người tiêu dùng.
Trong khi cửa hàng, quán... rơi vào tình cảnh “ế ẩm”, thì thay vào đó là sự gia tăng của các đơn hàng trực tuyến và qua điện thoại.
Dịch Covid-19 đang lây lan với tốc độ khá nhanh so với gia đoạn đầu tiên. Đặc biệt, sau khi Hà Nội công bố ca nhiễm số 17 thì không ít người dân đã có tâm lí tích trữ hàng hoặc mua sắm từ xa nhằm hạn chế tiếp xúc, bảo vệ sức khoẻ.
Tuy nhiên, chính vì tâm lý ngại tới những nơi đông người, đã khiến nhiều gia đình thiếu hụt nhu yếu phẩm cần thiết cũng như không có nhiều sự lựa chọn sản phẩm. Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, để phục vụ khách hàng và cũng là giải pháp tăng doanh số bán ra trong bối cảnh người dân hạn chế mua sắm, các siêu thị đã triển khai dịch vụ gọi điện đặt hàng và tăng cường các dịch vụ qua bán hàng trực tuyến.
Đơn cử như Hệ thống Siêu thị Big C mang đến dịch vụ "Gọi điện đặt hàng" qua số Hotline từ tháng 2/2020. Big C ghi nhận đơn và giao tới tận nơi cho khách hàng, miễn phí giao hàng với hoá đơn từ 200.000 đồng trở lên.
Thông tin từ Big C cho biết, doanh số của chương trình Gọi điện đặt hàng, giao hàng qua điện thoại đối với các siêu thị Big C khu vực TP.HCM tính từ đầu tháng 3/2020 đến ngày 12/3 đạt trên 1.000 đơn hàng. Dự kiến trong tháng 3/2020 các siêu thị Big C khu vực TP.HCM sẽ đạt doanh số khoảng 3.000 đơn hàng; mức tăng trưởng khoảng trên 200% so với tháng 2/2020.
Cũng như Big C, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing của Saigon Co.op - thông tin, bên cạnh đảm bảo nguồn hàng nhà bán lẻ này đã đẩy mạnh kênh mua sắm qua điện thoại, qua wesbite thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân cả nước.
Ghi nhận từ nhà bán lẻ Saigon Co.op cho thấy, kênh mua sắm qua điện thoại Co.opmart của Saigon Co.op đã đón tiếp hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày và đơn hàng thông qua kênh giao dịch trực tuyến Co.opmart tăng gấp 10 lần so với ngày bình thường. Hay tại Emart Việt Nam, kể từ khi dịch cúm xảy ra tới nay, ứng dụng Emartmall đã ghi nhận lượng đặt hàng từ xa tăng gấp 10 lần so với thời điểm chưa có dịch.
Tương tự, nhà bán lẻ Lotte Mart đã triển khai ứng dụng mua sắm trực tuyến Speed L để cung ứng thực phẩm tươi sống phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người tiêu dùng.
Đại diện Lotte Mart cho biết: “Speed L của Lotte Mart ra đời với mục đích mang đến những giải pháp mua sắm tiện lợi và uy tín cho khách hàng. Bên cạnh đó, dịch vụ giao hàng tận nơi trong vòng 3 giờ, những chương trình ưu đãi hấp dẫn và hình thức thanh toán đa dạng mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm hiện đại”
Các siêu thị cho rằng, việc thúc đẩy kênh mua sắm qua điện thoại và trực tuyến không chỉ giúp doanh số bán ra của hệ thống siêu thị tăng đột biến mà còn giúp người dân tránh đi tới nơi đông người, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua nền kinh tế bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, đây cũng là cú hích tạo đà cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bứt tốc sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là sự “lên ngôi” của thị trường thương mại điện tử; tạo ra những thay đổi trong việc mua sắm, tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy thói quen mua sắm văn minh, hiện đại hơn.
Theo Quỳnh Nguyễn
Dân Việt