1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Địa ốc phía Tây TPHCM "mệt mỏi" vì những siêu dự án... trên giấy

(Dân trí) - Thông tin Tập đoàn Tuần Châu sẽ xây dựng thành phố mới ở khu Tây Bắc TPHCM đã gây cơn “sốt” lớn tại thị trường địa ốc phía Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, người dân ở khu vực này lại chẳng mấy “hồ hởi” trước viễn cảnh vùng đất thép Củ Chi sắp được "thay chiếc áo mới".

"Mong manh" dự án tỷ đô

Thời gian gần đây, người dân Củ Chi, TPHCM và giới đầu tư bất động sản (BĐS) khá phấn khởi trước thông tin Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh, đề xuất lãnh đạo TPHCM cho phép xây dựng trục đường ven sông Sài Gòn xuất phát từ đường Hàm Nghi (Q.1) đến cầu Bến Súc (huyện Củ Chi), với tổng chiều dài 63km và dự án khu đô thị mới - New City với quy mô 15.000ha thuộc các xã phía Đông Bắc huyện Củ Chi.

Với tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng, dự án thành phố mới New City của “chúa đảo Tuần Châu" Đào Hồng Tuyển được kỳ vọng sẽ tạo nên diện mạo khác biệt cho các huyện vùng ven TPHCM, khi bên trong thành phố mới này sẽ hình thành các khu nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, tạo được công ăn việc làm, có đầy đủ dịch vụ và tiện ích phục vụ cư dân.

Thế nhưng, trái ngược với “sức nóng” của dự án tại thị trường phía Nam trong những ngày qua, đa số người dân sống tại khu Tây Bắc TPHCM lại không mấy “hồ hởi” về một viễn cảnh “thay da đổi thịt” bộ mặt đô thị mới Củ Chi.

Một số văn phòng môi giới bất động sản ở xã Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, thị trấn Củ Chi... vẫn trong tình trạng “án binh bất động”
Một số văn phòng môi giới bất động sản ở xã Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, thị trấn Củ Chi... vẫn trong tình trạng “án binh bất động”

Theo ghi nhận của PV, thời điểm hiện tại, một số văn phòng môi giới bất động sản ở xã Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, thị trấn Củ Chi... vẫn trong tình trạng “án binh bất động”. Nhiều "cò đất" khẳng định, siêu dự án của “chúa đảo” Tuần Châu ở Củ Chi vẫn chưa đủ sức để “tạo sóng” cho giá đất tại khu vực này.

Trên Quốc lộ 22 (đoạn từ huyện Hóc Môn đến Củ Chi), các bảng hiệu quảng cáo, môi giới nhà đất cũng “ảm đạm” không kém thái độ “hời hợt” của người dân. Khu này giáp ranh giữa Hóc Môn và Củ Chi nhưng giá khá mềm, đất sát mặt tiền thì 3 – 7 triệu đồng/m2, có nơi còn thấp hơn tùy thuộc vào vị trí.

“Khi thông tin về dự án khủng của Tuần Châu lần này được công bố, đa số các nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá bình tĩnh và giá đất vẫn chưa thật sự có hiện tượng “dậy sóng” như nhiều người đồn đoán. Hầu hết các môi giới tìm đến đây chủ yếu là để nghe ngóng tình hình chứ chưa phải chính thức giao dịch vì thông tin các dự án khổng lồ đổ về đây không phải là lần đầu xuất hiện”, anh Minh, chủ một văn phòng môi giới tại Thị trấn Củ Chi nói.

Một số người dân khu này cũng cho rằng, những năm gần đây, rất nhiều dự án “khủng” lần lượt được đề xuất xây dựng. Tuy nhiên, cũng ngần ấy thời gian, chưa bao giờ có được một dự án nào chính thức “thành hình”. Vì lẽ đó mà ước mơ “thay da đổi thịt” bộ mặt đô thị ở Củ Chi cũng chỉ là viễn cảnh xa đối với người dân sống tại Khu đô thị Tây Bắc.

Chỉ tay về khu đất rộng mênh mông, cỏ mọc um tùm trước nhà, ông Phạm Công Thịnh (xã Tân Phú Trung) cho biết, gần đây cũng có các “cò” về gom đất nhưng không có chuyện sốt đất. "Tôi rao bán miếng đất vườn giá chỉ 3 triệu đồng/m2 mà cả tháng rồi vẫn chưa có ai “gạ hỏi” gì, trong khi đó giá đất cũng không nhích hơn thời gian trước bao nhiêu", ông Thịnh nói.

“Các dự án cứ lần lượt đổ về nhưng không thấy động tĩnh gì cả. Người dân ở đây nghe hoài rồi thành quen, chẳng còn gì lạ lẫm với mấy dự án “trên giấy” này nữa cả”, ông Thịnh thở dài.

Hệ lụy của việc dự án treo quá lâu đẩy người dân trong vùng lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, nhiều người đã phải tiền mất, tật mang
Hệ lụy của việc dự án treo quá lâu đẩy người dân trong vùng lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, nhiều người đã phải "tiền mất, tật mang"

Khi niềm tin về số “0”

Thực tế cho thấy, những hoài nghi của người dân về một viễn cảnh giúp “thay màu” vùng đất Củ Chi của Tập đoàn Tuần Châu là một điều hoàn toàn có căn cứ. Bởi trên địa bàn cũng đã có nhiều dự án bất động sản lớn khác được quảng bá một cách rầm rộ với cam kết nguồn vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, sau vài năm được cấp phép, nhiều dự án “khủng” này vẫn trong tình trạng quây rào bỏ trống hay sử dụng sai mục đích, khiến người dân dần mất đi niềm tin.

Điển hình như khu đô thị đại học của một tập đoàn đến tư Malaysia với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Trước đó, dự án này được công bố rầm rộ là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và được chính quyền thành phố đặt nhiều kỳ vọng sẽ “lột xác” toàn diện cho vùng đất Củ Chi.

Tuy nhiên, như “bổn cũ soạn lại”, sau gần 10 năm được cấp phép đầu tư, hiện dự án vẫn chỉ là đồng cỏ hoang, lác đác vài ngôi nhà của những hộ dân chưa di dời khỏi khu quy hoạch.

Hệ lụy của việc dự án treo quá lâu đẩy người dân trong vùng lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, nhiều người đã phải "tiền mất, tật mang".

Trước việc "siêu dự án" đổ về Củ Chi nhưng mãi là trên giấy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, các nhà đầu tư nên cẩn trọng và tỉnh táo. Không nên nóng vội xuống tiền, mà cần quan sát thực tế vào tiến trình phát triển của dự án. "Phải cân nhắc kỹ, không đi tắt đón đầu bởi thực tế đã có rất nhiều bài học về việc đầu tư đất chạy theo thông tin các siêu dự án. Dự án đề xuất chỉ là một khía cạnh, trong khi khả năng thực hiện được hay không lại là vấn đề khác", ông Châu nói.

Công Quang