1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dệt may gặp nhiều khó khăn, da giày “chật vật” tìm đơn hàng mới

Đại Việt

(Dân trí) - Ngành dệt may Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do các thị trường xuất khẩu chính bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Còn ngành da giày vẫn đang “chật vật” tìm đơn hàng mới.

Dệt may gặp nhiều khó khăn, da giày “chật vật” tìm đơn hàng mới - 1

Doanh nghiệp may mặc gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đ.V

 Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc trong 10 tháng qua ước đạt 24,76 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 782,7 triệu m2, giảm 10,6%. Quần áo mặc thường ước đạt gần 3,64 tỷ chiếc, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước, chỉ có vải dệt từ sợi tự nhiên là tăng khoảng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 548,8 triệu m2.

Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày.

Trong đại dịch Covid-19, người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do khan hiếm đơn hàng.

Bà Vũ Kim Tuyến, đại diện một doanh nghiệp dệt may tại TPHCM cho biết, doanh nghiệp đã phải thay đổi rất nhiều để thích nghi với những khó khăn.

“Trước đây, chúng tôi chủ yếu là may sơ mi, quần tây cao cấp thì nay chúng tôi chuyển qua sản xuất đồ bảo hộ lao động, sơ mi, quần tây truyền thống, giá cả bình dân. Nhiều doanh nghiệp khác chuyên sản xuất hàng may mặc cao cấp cũng phải thay đổi để phù hợp với thị trường”, bà Tuyến nói.

Bộ Công Thương nhận định, trong tương lai, doanh nghiệp dệt may cần có thêm nhiều phương án kinh doanh sáng tạo nhằm thay đổi phương thức sản xuất để phù hợp với tình hình mới. Đồng thời khai thác và mở rộng thị trường nội địa. Song song đó là chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Trong khi ngành dệt may gặp nhiều khó khăn thì ngành da giày vẫn đang “hồi phục” sau đợt trọng thương vì Covid-19.

Dệt may gặp nhiều khó khăn, da giày “chật vật” tìm đơn hàng mới - 2

Ngành da giày cũng gặp nhiều tổn thất vì Covid-19. Ảnh: Đ.V

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu giày dép đã giảm mạnh liên tục trong quý 2 và quý 3/2020. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại 10 tháng ước đạt 13,38 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp giày dép đang dần phục hồi với nhiều đơn hàng mới. Một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm và tuyển lao động trở lại.

Mặc dù đơn hàng đã quay trở lại nhưng các nhà nhập khẩu vẫn rất thận trọng vì sức mua của thị trường còn yếu. Nguyên nhân dẫn đến sức mua yếu là do các thị trường nhập khẩu giày dép chính của Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19.

Điểm đáng chú ý trong xuất khẩu da giày là sau hơn 2 tháng thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực nhất về xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, từ khi EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 20.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 đi 28 nước EU.

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, nông sản… Trong đó, mặt hàng tận dụng tốt nhất cơ hội từ EVFTA là giày dép đạt kim ngạch 385 triệu USD. Tiếp đến là thủy sản đạt kim ngạch 118 triệu USD. Nhựa và sản phẩm từ nhựa đạt 48 triệu USD...

Trong thời gian tới, tình hình thị trường mặc dù chưa thể phục hồi hoàn toàn, song kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách trong quý 4/2020 dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại khi đây là thời điểm lễ hội gắn với tiêu dùng tại các nước châu Âu và châu Mỹ.

Bộ Công Thương đánh giá, Hiệp định EVFTA sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong những tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021.

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2020 ước đạt 51,2 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng 9/2020 nhưng vẫn phục hồi khá tốt so với cùng kỳ năm 2019 với mức tăng 9,98%.

Như vậy, với sự phục hồi khá tích cực từ đầu quý 3/2020 đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sau 10 tháng năm 2020 đã tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt gần 440 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 229 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Về thị trường xuất khẩu, 10 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm