Thị trường Trung Quốc “ế ẩm”, ngành dệt may tập trung vào Mỹ, EU, Nhật Bản

(Dân trí) - Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến hàng dệt may của Việt Nam gặp “khó” tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản lại đang đầy tiềm năng.

Thị trường Trung Quốc “ế ẩm”, ngành dệt may tập trung vào Mỹ, EU, Nhật Bản - 1

Ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Không có chuyện FDI từ Trung Quốc đổ dồn vào dệt may Việt Nam

Trong Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 2019 do Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may đã phải “chịu trận” từ tháng 10/2018 cho đến nay.

Trước đây, ngành sợi Việt Nam xuất khẩu tương đối mạnh vào thị trường Trung Quốc, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng hơn 2 tỷ USD sợi từ Việt Nam. Thế nhưng, trong 8 tháng đầu năm 2019, sản lượng xuất khẩu sợi sang Trung Quốc giảm sâu.

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc xuất khẩu giảm, thứ nhất là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc phá giá nên các sản phẩm sợi xuất khẩu của Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm sợi của Trung Quốc.

Nguyên nhân thứ hai là chiến tranh thương mại dẫn đến các đơn hàng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc giảm. Thứ ba là do điều kiện thời tiết, khí hậu nên sức mua của thị trường cũng giảm đáng kể.

Thị trường Trung Quốc “ế ẩm”, ngành dệt may tập trung vào Mỹ, EU, Nhật Bản - 2

Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ 2019 với chủ đề "Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu - Cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương.

Thị trường Trung Quốc “ế ẩm”, ngành dệt may tập trung vào Mỹ, EU, Nhật Bản - 3

Theo ông Vũ Đức Giang, thời gian qua có nhiều thông tin cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nguồn vốn FDI từ Trung Quốc đổ dồn vào ngành dệt may Việt Nam, đó là thông tin chưa hoàn toàn chính xác.

“Ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại chỉ một phần. Trên thực tế, nhiều nhà máy đã đóng cửa trong nhiều năm qua. Việc này xuất phát từ sức ép của nền kinh tế Trung Quốc và nền công nghiệp Trung Quốc chuyển đổi sang một nền công nghiệp khác nhanh hơn”.

“Ngoài ra, chi phí nhân công ngành dệt may tại Trung Quốc đang ở mức quá cao từ 750 – 900 USD/tháng nên các nhà máy tại đây không thể cạnh tranh nổi, dẫn đến đóng cửa trong nhiều năm. Không phải là đóng cửa xong rồi dịch chuyển sang Việt Nam, họ chỉ chuyển dịch một phần nào đó thôi”, ông Giang nói.

Mỹ là thị trường hàng đầu

Chia sẻ về việc chuyển dịch thị trường của ngành dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang cho biết, hiện nay đang có rất nhiều doanh nghiệp của Mỹ đang đầu tư vào ngành dệt may tại Việt Nam.

Cụ thể, một tập đoàn của Mỹ đã đầu tư xây dựng một nhà máy chỉ rất lớn ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là sự đầu tư kịp thời để bù vào nguồn cung thiếu hụt của ngành dệt may trong nước.

Hiện tại, sợi bán cho Trung Quốc gặp khó khăn nên Việt Nam chuyển sang bán sợi cho các nước Trung Đông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và xuất khẩu cho thị trường Mỹ sản xuất vải nên thị trường rất đa dạng. Chính vì vậy, trong 8 tháng đầu năm, ngành dệt may vẫn giữ mức tăng trưởng 10%.

Thị trường Trung Quốc “ế ẩm”, ngành dệt may tập trung vào Mỹ, EU, Nhật Bản - 4

Ngành dệt may vẫn giữ "phong độ" dù thị trường có nhiều biến động.

Chủ tịch Vitas cũng rất lạc quan với mối quan hệ tốt đẹp giữa ngành dệt may Việt Nam và Hiệp hội Bông Mỹ. Việt Nam đang là nước nhập khẩu bông lớn thứ 2 của Mỹ. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ trị giá 10 tỷ USD thì Việt Nam cũng nhập khẩu lại một lượng bông rất lớn từ Mỹ.

Mối quan hệ giữa Hiệp hội Bông Mỹ và Hiệp hội Dệt may Việt Nam là mối quan hệ tốt đẹp, đặc biệt.

Trong diễn đàn, ông Vũ Đức Giang cũng đề xuất với bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội độc lập xúc tiến thương mại, đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (Amcham Việt Nam) rằng, bà Mary cần có tiếng nói ủng hộ Bộ Nông nghiệp và Chính phủ Mỹ giảm bớt chênh lệch thương mại giữa ngành dệt may của Việt Nam với Mỹ bằng cách tạo điều kiện thành lập kho ngoại quan của Mỹ tại Việt Nam, đưa các sản phẩm bông của Mỹ vào Việt Nam để các doanh nghiệp chủ động về thị trường bông.

“Như vậy, thời gian mua bông sẽ ngắn hơn, không còn cảnh mua bông nhưng phải chờ 3 tháng trời lênh đênh trên biển. Trong khi nguồn tài chính của doanh nghiệp dệt may cũng rất hạn hẹp. Tại sao ngành bông của Mỹ có kho ngoại quan ở Indonesia mà lại không có kho ngoại quan ở Việt Nam”, ông Giang nói.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm 2019, ngành dệt may dự kiến sẽ xuất khẩu từ 39,5 – 40 tỷ USD, trong đó có 4 thị trường trọng tâm là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, Mỹ chiếm 42%, EU chiếm 22%, Nhật Bản chiếm 20%, Hàn Quốc là khoảng 15%, còn lại là thị trường khác.

Đại Việt